Theo Tổng cục Hải Quan, xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 8 đạt khoảng 10.000 xe, tăng so với tháng 7 là 6.000 xe. Nửa đầu 2018 lượng xe nhập khẩu thất thường, đạt 12.384 chiếc, giảm 75% so với cùng kỳ 2017. Trung bình mỗi tháng Việt Nam chỉ nhập hơn 2.000 xe, tức bằng một tuần của tháng 8.

Ảnh hưởng từ Nghị định 116 khiến tháng 6 trở về trước, hầu hết các hãng đều không cung cấp đủ hồ sơ giúp thông quan xe. Lượng xe về cảng vì thế khá thấp so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp báo triển lãm ôtô Việt Nam sẽ diễn ra cuối tháng 10 tới, đại diện nhiều hãng xe cho biết, do cơ quan đăng kiểm đã hướng dẫn và chấp nhận hồ sơ liên quan đến việc đăng kiểm xe việc nhập khẩu trở nên thuận lợi hơn, xe tiếp tục được thông quan để duy trì hoạt động kinh doanh. Trước đó, các kế hoạch đưa ra đều bị xáo trộn bởi Nghị định 116 đưa ra bất ngờ, thời gian áp dụng nhanh.

cac hang xe nhap khau chay nuoc rut cuoi nam
Biểu đồ xe nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2018.

Theo ông Võ Tuấn Anh, tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam, hãng còn “nợ” hơn 200 khách hàng chưa có xe giao, vẫn phải nằm trong danh sách chờ xe. Trong tháng 10, nhà phân phối này kỳ vọng bán 100 xe để hoàn thành chỉ tiêu 1.000 xe trong 2018. Trong nửa đầu, hơn 500 xe đã tới tay khách.

Với Isuzu, điểm nhấn ở mùa bán hàng còn lại của 2018 là việc giới thiệu mu-X và D-Max phiên bản nâng cấp cho thị trường Việt trong tháng 9. Lô hàng khoảng 500 xe từ Thái Lan đã cập cảng và hoàn thành các thủ tục thông quan.

Lượng tiêu thụ của SUV 7 chỗ mu-X lẫn bán tải D-Max trong thời gian qua tại Việt Nam không mấy ấn tượng. Doanh số của cả hai thường xuyên trong nhóm các sản phẩm bán chậm nhất phân khúc. Với thế hệ động cơ diesel mới, hãng kỳ vọng sức hút dành cho hai mẫu xe này lớn hơn. Dù chưa thể cạnh tranh với các đối thủ, Isuzu kỳ vọng doanh số cải thiện khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa sau 2017, Isuzu bán 589 xe (bao gồm D-Max và mu-X).

Mitsubishi Việt Nam kỳ vọng sẽ bán khoảng 6.000 xe mới trong năm tài chính 2018-2019, trong đó, riêng từ nay đến cuối năm phấn đấu đạt mốc 3.000 xe đến tay khách hàng. Động lực lớn nhất cho hãng là chiếc Xpander mới nhập khẩu từ Indonesia. Hiện số đơn đặt hàng cho thị trường nội địa Indonesia, Philippines và Việt Nam vượt quá khả năng cung cấp của nhà máy.

cac hang xe nhap khau chay nuoc rut cuoi nam
Khách hàng tìm hiểu chiếc Mitsubishi X-Pander mới tại một đại lý xe ở Đà Nẵng.

Tác động của chính sách siết xe nhập khẩu với Nghị định 116 khiến các hãng xe nhập khẩu điêu đứng hơn nửa quãng đường 2018. Ngay cả ông lớn Toyota cũng "bó tay" khi không thể đưa Fortuner về nước. Honda trông đợi vào CR-V với lượng xe phập phù, trong khi Ford mất mảng lớn doanh số vì Ranger không có hàng.

Ở mảng xe sang, Mercedes phải hoãn ra mắt S-class và Maybach S-class tới nửa năm vì không thể thông quan. Trong khi Lexus vẫn chưa có gì rõ ràng về khả năng nhập xe. Một số hãng doanh số thấp hơn cũng không có xe giao như đúng hẹn.

3 tháng còn lại, Toyota kỳ vọng vào xe nhập khi ra mắt đồng thời Wigo, Rush và Avanza. Trong khi đó các hãng còn lại cũng chạy đua để vớt vát doanh số và trả đơn hàng.

Các chuyên gia đánh giá, năm 2018 là cuộc chơi dành cho xe lắp ráp, đặc biệt Hyundai Thành Công và Trường Hải (Mazda, Kia). Những cố gắng của các hãng xe nhập chỉ có thể bù đắp phần nào doanh số đã mất. Khi thị trường đang phát triển với tốc độ tốt, hãng nào nắm lợi thế về giá cả, nguồn cung sẽ có cơ hội lớn chi phối thị phần.