Trong mâm cỗ Tết của người Mông, ngoài thịt lợn, thịt gà, rượu ngô… thì bánh dày là thứ không thể thiếu. Bánh dày được con cháu người Mông dùng để cúng ông bà, tổ tiên trong ngày tết để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành nên mình nhờ ăn hạt gạo nếp.

cac bup tieng gia banh day trong ngay tet cua nguoi mong

Giã bánh dày tốn rất nhiều sức lực nên đòi hỏi phải có những người đàn ông có sức vóc, dẻo dai thì bánh mới nhuyễn và dẻo.

Từ lâu, người Mông quan niệm, bánh dày biểu tượng cho sự no ấm, an lành, hạnh phúc. Vì vậy, sang năm mới, các trưởng dòng họ, người có uy tín… dùng bánh dày để thờ cúng tổ tiên, thần linh cầu mong sang năm mới, con cháu người Mông có sức khỏe tốt, lao động sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu.

cac bup tieng gia banh day trong ngay tet cua nguoi mong

Sau khi giã nhuyễn, các chị em phụ nữ dùng muôi lấy khối bánh ra nia để thuận lợi cho việc nặn.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Sùng Sáy Pó, bản Cha Mạy (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: Bánh dày theo tiếng Mông gọi là “dúa” hoặc “pía”. Trong ngày Tết, làm gì thì làm, bánh dày và gà là 2 thứ không thể thiếu được. Không có bánh dày thì coi như không có Tết, nên bánh dày được người Mông rất trân trọng và tôn kính. Ngoài ra, bánh dày còn được dùng để tặng cho họ hàng, khách quý trong dịp Tết để thể hiện tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

cac bup tieng gia banh day trong ngay tet cua nguoi mong

Người Mông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho đất trời, cho sự no đủ.

Theo ông Pó, bánh dày của người Mông được làm rất kỳ công và tỉ mỉ, để có những chiếc bánh ngon, nhuyễn, dẻo thì không phải người nào cũng làm được. Nguyên liệu làm bánh là những loại nếp nương, nếp ruộng thơm ngon. Khi xay gạo xong, đem ngâm nước từ 10 – 12 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo nước và cho vào chõ đồ thành xôi. Nguyên liệu gói bánh dùng lá dong hoặc lá chuối được rửa sạch, lau khô.

cac bup tieng gia banh day trong ngay tet cua nguoi mong

Trong lúc nặn bánh dày để không bị dính tay, người phụ nữ Mông dùng lòng đỏ trứng gà xoa vào lòng bàn tay.

Cối giã bánh được làm bằng thân cây gỗ trắc, thớ mịn, ruột khoét rỗng; chày giã được làm chủ yếu bằng gỗ lim. Lý giải về điều này, ông Pó cho biết thêm: Cối và chày được làm bằng những cây gỗ chắc là để khi giã mảnh gỗ không bám vào bánh và chày không gãy.

Giã bánh là công đoạn khó khăn nhất, muốn bánh dày càng dẻo, nhuyễn đòi hỏi người tham gia giã không chỉ khỏe mà phải có kỹ thuật và hiểu biết. Một lần giã sẽ có 2 người, thời gian giã bánh càng nhanh càng tốt. Vì lúc xôi đang nóng thì bánh mới nhanh nhuyễn, dẻo và mịn. Khi xôi quyện vào nhau, dẻo mịn thành một khối là hoàn tất công việc giã bánh.

cac bup tieng gia banh day trong ngay tet cua nguoi mong

Cối giã bánh dày được làm bằng thân những cây gỗ bền và chắc.

Khi giã xong, các chị em phụ nữ dùng bàn tay khéo léo của mình nặn ra những chiếc bánh tròn trịa, đều nhau. Để bánh khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, các chị em xoa một ít lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay trong lúc nặn bánh rồi sau đó dùng lá dong, lá chuối gói thành bánh xếp gọn vào nia.

cac bup tieng gia banh day trong ngay tet cua nguoi mong

Chày giã bánh được làm bằng gỗ lim.

Giã bánh dày là nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lên ăn tết với các bản Mông ở vùng cao, được thưởng thức những chiếc bánh dày thơm ngon bên bếp lửa hồng mới cảm nhận được đức tính cần cù, chịu khó của đồng bào nơi đây./.