Trước đây, thay vì nuôi ngao, người dân ở Vân Đồn chủ yếu đánh bắt xa bờ. Nghề đánh bắt không những nhiều rủi ro, nó còn gây ảnh hưởng đến môi trường và làm tận diệt các nguồn thủy hải sản.

Để hỗ trợ cho người dân, huyện Vân Đồn đã xây dựng đề án chuyển đổi nghề đánh bắt sang nuôi trồng. Tuy nhiên, thời gian đầu còn gặp khá nhiều khó khăn.

ca lang o ha long kham kha nho nuoi ngao gia toan con to bu

Thay vì đánh bắt xa bờ với nhiều nguy hiểm thường trực và gây ảnh hưởng đến môi trường như trước đây. Nhiều người dân tại huyện đảo Vân Đồn đã quay sang nuôi trồng và khá lên từ ngao giá. Ảnh Mạnh Trường

Anh Bùi Văn Kiêm, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn chia sẻ, đa số ngư dân chúng tôi là những người đã theo nghề đi biển, đánh bắt thủy hải sản cùng gia đình từ nhỏ, không có điều kiện học hành, không có bằng cấp. Chúng tôi không biết làm nghề gì để kiếm sống., chúng tôi cần có phương án, giải pháp lâu dài để định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.

Sau một thời gian kiên trì, hiện nay huyện Vân Đồn không những đả thông tư tưởng cho người dân, huyện này còn ưu tiên giao mặt nước cho người dân chuyển từ nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, huyện này còn tổ chức công tác đào tạo, hướng dẫn giúp người dân năm được cách nuôi hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Thắng Lợi, cho biết, trước đây, gia đình đánh bắt trên biển sau đó chuyển nuôi tù hài thì bị dịch bệnh, những tưởng không vực lại được vì toàn bộ vốn liếng đổ vào đấy, thế nhưng may mắn vào thời điểm năm 2016 gia đình được sự hỗ trợ của huyện và mạnh dạn vay mượn thêm chuyển sang nuôi ngao giá.

Trong năm đầu tiên đã thu lại được vốn. Đến nay, gia đình ông Thanh có khoảng 40.000 lồng, giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho 12 người, với mức lương trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết, hiện hộ nuôi ít nhất trên địa bàn Vân Đồn cũng có từ 2.000 lồng, tương đương với số tiền đầu tư khoảng 100 triệu đồng; hộ nuôi nhiều nhất có khoảng 100.000 lồng, tương đương số tiền đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.

Năng suất nuôi trung bình đạt từ 1,5-2,5kg/lồng, sau thời gian nuôi 12 tháng. Giá bán buôn thương phẩm từ 60.000-90.000 đồng/kg, tùy thuộc vào thời điểm, kích cỡ ngao.

Cũng theo ông Ninh, mô hình nuôi ngao giá đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các hộ nuôi. Sản lượng trung bình ngao giá trên địa bàn huyện đạt 20 tấn/ngày, có thời điểm đạt 40 tấn/ngày, tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ. Hộ nuôi thấp nhất trong năm cũng thu đến trên 300 triệu đồng, cao nhất trên 10 tỷ đồng chưa trừ chi phí. Nhiều hộ giàu lên từ nuôi ngao giá.

Theo ông Thanh, mặc dù con ngao giá đã và đang giúp người dân Vân Đồn cải thiện cuộc sống, thế nhưng các hộ nuôi vẫn lo lắng vì dịch bệnh cũng như thiếu nguồn cung cấp con giống tốt. “Hiện nay, nhu cầu nuôi của người dân rất lớn, trong khi nguồn cung cấp con giống ở trong nước không đủ, buộc người dân phải nhập thêm từ nước ngoài.

Mà nhiều khi nguồn con giống này không được kiểm soát, có nguy cơ lây nhiễm, gây dịch bệnh cao. Thêm vào đó, thị trường đầu ra cho ngao giá chưa ổn định, luôn bị tư thương ép giá và phụ thuộc nhiều vào đầu nhập phía Trung Quốc”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, để đảm bảo cho các hộ nuôi ngao an toàn và ổn định, huyện nên xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo quy hoạch; thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp; hỗ trợ đầu ra ổn định cho các hộ...