Ngày 9/12, độc giả yêu thơ kéo đến đông nghẹt đường sách TP HCM đón tập thơ rất “bolero” mang tên “Sao phải đau đến như vậy” của Nguyễn Phong Việt. Dù người viết có chủ đích hay không, nhưng dấu ấn “bolero” trong tác phẩm văn chương của họ là không thể phủ nhận.

Thơ “bolero”

Nguyễn Phong Việt mấy năm nay năm nào cũng cho ra mắt một tập thơ đầy chất “bolero”. Năm 2012 Phong Việt có ấn bản “Đi qua thương nhớ”; 2016 Phong Việt ra mắt “Về đâu những vết thương”; mới nhất, vừa ra mắt là “Sao phải đau đến như vậy”? Đọc thơ Phong Việt, xuyên suốt qua các tập thơ đều cùng một “chất” tự sự, tình cảm, ký ức, vấn vương, thương nhớ.

bolero hoa van chuong hut doc gia
Nguyễn Phong Việt vài năm trở lại đây, năm nào cũng cho ra mắt một tập thơ đầy chất “bolero”.

“Bolero” hoá thơ ca không phải một ý tưởng tồi, bởi vì độc giả của Nguyễn Phong Việt đã kéo tới rất đông để chúc mừng đứa con tinh thần mới “Sao phải đau đến như vậy”. Lứa độc giả đọc thơ Nguyễn Phong Việt cũng đã chứng tỏ tình yêu bền bỉ của mình khi tiêu thụ một số lượng rất lớn hầu như tất cả các tập thơ của tác giả này. Theo số liệu từ đơn vị xuất bản thì tổng số phát hành các tập thơ của Phong Việt đã lên tới hàng trăm ngàn bản.

Cũng trong những ngày đầu tiên của tháng 12/2017, trên quầy sách xuất hiện tập thơ “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” của tác giả trẻ Huyền Thư (Sài Gòn Book). Đọc tựa, đã thấy dấu ấn “bolero” đậm nét.

bolero hoa van chuong hut doc gia
Đọc tựa sách, đã thấy dấu ấn “bolero” đậm nét.

Trong tập thơ, ngoài bài thơ lấy tên ra làm tựa sách, cũng có rất nhiều bài đẫm chất “bolero” như: “Yêu em nhiều như cách Huế mộng mơ”, “Đi qua mùa heo may”, “Đành giấu nỗi buồn lên những vì sao”, “Đừng yêu nữa, thương thôi”, “Trở về đi anh”, “Đâu phải chỉ mùa thu mới đổ lá bình minh”, “Sâu trong mắt em”, “Mùa hạnh phúc trần tình cơn mơ cũ”, “Đâu cần phải hẹn kiếp sau”, “Quán cà phê ngồi với một người”…

Khác với các tác giả trẻ khác, tập thơ đầu tay của cô gái mới chỉ vừa chạm tuổi đôi mươi, ngoài nồng nàn tâm huyết còn trĩu nặng ưu tư chứ không chỉ đơn thuần là những tâm trạng chênh vênh, mong manh thả hồn bay theo gió.

Huyền Thư tên thật là Tăng Thị Huyền Anh, sinh tại Thái Bình, hiện đang theo học ngành Quy hoạch đô thị tại khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường đại học Auckland, New Zealand (Bachelor of Urban Planning, School of Architecture and Planning at the University of Auckland).

Đến với thơ, cho dù vô tình hay cố ý, Huyền Thư cũng đang khai thác đúng chất liệu tự sự, lãng mạn nhưng không phải chỉ đào sâu khai thác nội tâm cá nhân mình, có lẽ do đặc thù của người du học xa quê, cô gái trẻ đặc biệt chú trọng viết về tình cảm quê hương, gia đình và xứ sở. Huyền Thư viết nhiều thơ bằng tiếng Việt và tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Năm 2016, Thư được trao giải nhì trong cuộc thi thơ trẻ New Zealand (National Schools Poetry Award 2016) do Trung tâm viết văn của trường Đại học Victoria tổ chức.

Văn “bolero”

Hồi cuối tháng 11/2017, tập truyện “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, quý 4/2017) của tác giả Vũ Thành Sơn ra mắt cũng có tựa đề trích từ một câu hát trong “Chuyện hẹn hò”, một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Tựa của tập cũng là tựa của một truyện trong số 10 truyện ngắn in trong tập. Ngoài truyện ngắn này, trong tập truyện còn có những truyện khác cũng đầy màu sắc “bolero” như: “Con cừu có mái tóc màu hạt dẻ”, “Một giấc mơ khác”, “Có một nơi như thế”, “Thức dậy bỗng nhớ”…

Tác giả Vũ Thành Sơn cho biết: “Sự chọn lựa để đặt tựa cho tập truyện ngắn là một phần ngẫu nhiên, nhưng trên hết, có lẽ vì tôi thích lời bài hát của ca khúc “Chuyện hẹn hò”, không những nó quen thuộc với nhiều người, mà tự lời hát cũng đã là một hình ảnh đẹp”.

bolero hoa van chuong hut doc gia
Tác giả Vũ Thành Sơn trong buổi ra mắt “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không”. “Sao phải đau đến như vậy” và “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” phát hành đúng mùa Noel.

Cái tựa có vẻ “sến”, khiến người đọc dễ nghĩ rằng nội dung bên trong sẽ là loại truyện hời hợt, nhưng tác giả Vũ Thành Sơn dường như muốn người đọc bức bối, suy tư với các câu chuyện có chiều sâu, không đưa ra lời giải mà bắt độc giả phải suy nghĩ về cuộc sống chứ không đơn giản là đọc chỉ để giải trí.

Tập truyện đầy những băn khoăn, ám ảnh của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống trước một hiện thực đang mỗi lúc vượt quá khả năng nhận thức, cũng như hành động. Họ như bị rơi một tình huống mà cái gì cũng vừa rõ ràng vừa không, rốt cuộc họ bị đè bẹp, bị nghiền nát bởi chính cái hiện thực đậm chất hiện sinh.

Nhà văn Mai Sơn chia sẻ: “Văn phong của Vũ Thành Sơn sẽ khiến nhiều độc giả thiếu kiên nhẫn rời bỏ những trang ghi chép hiện tượng luận lạnh lùng của mình đồng thời kéo những đọc giả bình tĩnh khác ở lại, đọc, rồi trầm tư với câu hỏi “Bí mật của nhà văn là gì”?

Nhà thơ Trần Tiến Dũng cho rằng: “Truyện của Vũ Thành Sơn hay phải chăng truyện ngắn hiện đại muốn cho độc giả tham gia vào để cùng tư duy? Vũ Thành Sơn không nhằm vào đối tượng miêu tả mà đó là sự hôn phối giữa nhà văn và người đọc để sản sinh ra những đứa con suy tư?”

Đọc “Em có nghe trời buồn trời chuyển mưa đó không” của Vũ Thành Sơn, vui vì sức hút của giọng văn trần thuật theo lối mô tả hiện tượng học, tỉ mỉ, tao nhã, nhưng cũng buồn vì còn nhiều lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả trong cuốn sách.

“Sỏ mũi” - trang 12, truyện “Con cừu có mái tóc màu hạt dẻ” đáng lẽ phải là “xỏ mũi”; “một cái sô” - trang 20, truyện “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?” đáng lẽ phải là “một cái xô”); “bơi được chừng hơn chục hồ” - trang 27 chắc là “bơi được chừng hơn chục vòng hồ”; “bà Hà đã sấp sỉ sáu mươi” - trang 41, truyện “Mùa thu” đáng lẽ phải là “bà Hà đã xấp xỉ sáu mươi”… Những lỗi chính tả là thiếu sót đáng tiếc, tuy nhỏ nhưng lại chứng tỏ cách làm việc chưa chuyên nghiệp.