bo y te tiep tuc giam sat chat che dich benh viem phoi cap do vi rut corona
Quang cảnh buổi họp.

Theo thông báo của WHO, tính đến ngày 21-1, tại Trung Quốc đã ghi nhận 291 trường hợp mắc (trong đó đã ghi nhận 15 trường hợp là nhân viên y tế mắc bệnh), 5 trường hợp tử vong (các trường hợp này đều có bệnh nền mạn tính). Ngoài tỉnh Hồ Bắc, một số tỉnh, thành phố tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh (Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thẩm Quyến). Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đã ghi nhận một số trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (02 trường hợp), Nhật Bản (01 trường hợp), Hàn Quốc (01 trường hợp).

Trước tình hình trên, WHO nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Trong ngày 22-1, WHO sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng để quyết định xem vụ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc liệu đã đủ các điều kiện là Sự kiện Y tế công cộng được quốc tế quan tâm (PHEIC).

Trong những ngày vừa qua, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của vi rút corona (nCoV) diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với WHO cập nhật tình hình dịch bệnh, triển khai Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do nCoV theo các tình huống dịch, đẩy mạnh việc truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên hệ thống thông tin đại chúng, kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế đã rà soát cập nhật, ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona và hiện nay các địa phương đang triển khai áp dụng các hướng dẫn tới tất cả các cơ sở y tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, song các biện pháp đáp ứng chủ động hiện nay của Việt Nam là phù hợp với tình hình dịch bệnh và phù hợp với các khuyến nghị của WHO. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Trung Quốc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán canh Tý, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do sự giao lưu đi lại, thương mại, du lịch gia tăng đột biến trong dịp Tết cũng như khả năng lây lan hạn chế từ người sang người của tác nhân gây bệnh.

Cuộc họp đã thống nhất trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và tại Việt Nam để kịp thời nâng mức đáp ứng theo tình huống 2 (xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam); tiếp tục truyền thông mạnh mẽ về tình hình dịch bệnh tới người dân tại cộng đồng và sẵn sàng cung cấp các tài liệu truyền thông về dịch bệnh cho các hành khách nhập cảnh; tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng; sẵn sàng công tác thu dung, cấp cứu, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị y tế phải tổ chức thường trực chống dịch, không để bị động khi dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

* Cùng ngày, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-BYT về Kế hoạch đáp ứng với bệnh Viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV). Đây là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Nội dung giám sát được chia làm 3 tình huống. Cụ thể, tình huống 1 là chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam. Yêu cầu của tình huống này là giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan. Phương thức giám sát là điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát (theo định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ). Giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng, trong đó chú trọng giám sát tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, quan sát thực tế và các biện pháp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

bo y te tiep tuc giam sat chat che dich benh viem phoi cap do vi rut corona
Thông tin của ngành y tế về phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV đặt tại sân bay Nội Bài. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Tình huống 2 là xuất hiện trường hợp bệnh được xác định xâm nhập vào Việt Nam. Trong tình huống này, giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ. Bên cạnh đó, giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng. Tiếp tục thực hiện giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng.

Tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng​. Yêu cầu của tình huống là phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể là: Ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ. Với các ổ dịch đã được xác định, cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 3-5 trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên…/.