Tại hội nghị hướng dẫn thực hiện mức thu viện phí mới tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định việc áp dụng viện phí mới được thực hiện từng bước, thận trọng, theo lộ trình điều chỉnh giữa các địa phương, tỷ lệ tham gia BHYT. Việc tăng viện phí không áp dụng cùng lúc vì liên quan đến kinh tế vĩ mô, chỉ số tiêu dùng. “Việc này cũng tương tự như triển khai thông tư 37 điều chỉnh viện phí trong năm 2016, đến tháng 4/2017 mới điều chỉnh tăng viện phí hết 63 tỉnh thành phố", ông Tuấn nói,

Theo đó, đợt viện phí mới áp dụng cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế sẽ được chia theo lộ trình từ. Cụ thể vào tháng 8 khoảng 30 tỉnh thực hiện viện phí mới; 15 tỉnh thành áp dụng vào tháng 10 và 18 tỉnh thành còn lại áp dụng vào tháng 12/2017.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sẽ có trên 1900 dịch vụ y tế được áp dụng giá viện phí mới, với mức tăng giá từ 20 – 25%. Đây là mức giá viện phí đã áp dụng trước đó cho bệnh nhân có BHYT, được quỹ BHYT thanh toán khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Đến thời điểm này, mức giá viện phí được áp dụng chung cho cả hai nhóm bệnh nhân có BHYT, không có BHYT để đảm bảo tính công bằng, thúc đẩy người dân tham gia BHYT.

Theo ông Tuấn, số lượng 20% dân số còn lại cần thúc đẩy quá trình tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi khi đi khám bệnh. Việt Nam là một trong những nước có mệnh giá thẻ BHYT ở mức thấp (khoảng trên 600 nghìn/năm) nhưng người tham gia BHYT được quyền lợi cao. Rất nhiều bệnh nhân nặng về tim mạch, ung bướu, bệnh nhân hồi sức tích cực được BHYT chi trả vài trăm triệu đồng. Chi phí này sẽ là rất khó khăn với người không tham gia BHYT, tự bỏ tiền túi ra chi trả dịch vụ.