bo truong phung xuan nha thi diem chuyen giao vien sang hop dong de day manh xa hoi hoa giao duc

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Khảo sát Ban chỉ đạo nhà nước về xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập

Nói về vấn đề tự chủ trong các trường học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT đối với giáo dục mầm non, phổ thông, về cơ bản nhà nước vẫn tiếp tục bảo đảm kinh phí, các điều kiện hoạt động để các cơ sở này thực hiện trách nhiệm của nhà nước về phổ cập giáo dục.

Đồng thời, có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các vùng có điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện xã hội hóa để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vấn đề đối với các trường phổ thông là ở việc tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ so sánh, tự chủ của Bộ Y tế khác với tự chủ của ngành Giáo dục. Ngành Y tế tự chủ thì đã có đầu ra là bảo hiểm và các bệnh nhân đến khám là khách hàng nhưng với giáo dục lại ổn định, đó là đối tượng được phục vụ và rất đông đảo. Nếu làm không khéo, không có lộ trình sẽ rối loạn.

Bộ trưởng Nhạ giải thích phần lớn đơn vị có nhu cầu là các nhà trường, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào để chủ động lên kế hoạch thì thường bị động trong việc tuyển dụng. Đơn vị tuyển dụng thường là UBND huyện hay Sở, tuyển theo kế hoạch chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho trường ký hợp đồng. Dẫn đến vênh nhau về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, rất khó khăn cho các trường.

Trong luật viên chức có hợp đồng làm việc. Nếu hợp đồng làm việc 2 năm liền không hoàn thành thì cho nghỉ. Do đó, phải thực hiện nghiêm hợp đồng làm việc này trong ngành giáo dục và tiến tới đẩy mạnh cho các trường phổ thông được quyền tự chủ, tự quyết trong vấn đề tuyển dụng giáo viên.

"Khi được tự chủ, nhà trường sẽ được quyền chủ động tuyển người, chủ động đánh giá cán bộ và cứ 2 năm không hoàn thành thì cho nghỉ, như vậy đã tiến bộ rất nhiều rồi" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, việc chuyển giáo viên sang hợp đồng sẽ nghiên cứu lộ trình từng bước thí điểm sau đó mới nhân rộng ra chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, hiện nay nhiều trường tư thục họ hợp đồng lao động rất tốt. Chúng ta nên theo “thị trường lao động”, là giáo viên trường công cũng như trường tư hướng đến sự linh hoạt. Đây là tiền đề rất quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

"Chúng ta phải dần từng bước để hòa vào thị trường. Các trường phổ thông, công tư đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chính" - Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng, quan điểm của Bộ, trước hết phải giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông để họ được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên, tránh bất cập, vênh giữa nhu cầu với thực tế và với tính chất công việc.

"Nếu Chính phủ ủng hộ vấn đề này, đây là cơ hội rất tốt cho ngành giáo dục. Chúng tôi quyết tâm cùng với Chính phủ và các bộ ngành từng bước thực hiện được chủ trương này” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.