Trước thềm năm mới, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN về những kế hoạch, dự định triển khai của cá nhân và ngành giao thông trong thời gian tới. Khẳng định trong năm 2019, Bộ GTVT sẽ tập trung các nhiệm vụ trọng tâm để kéo giảm tai nạn giao thông, xử lý nghiêm những sự cố mất an toàn hàng không đồng thời có những phương án giải quyết, tháo gỡ những bất cập BOT…

bo truong nguyen van the xu ly tong the bai toan bot trong nam 2019
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Tính mạng con người là quan trọng nhất

PV: Trong năm 2018 và những ngày đầu năm 2019 đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở cả đường bộ, đường sắt, Bộ GTVT có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này trong năm 2019, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2018, tai nạn giao thông (TNGT) chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu là số vụ giảm 6,7%, số người bị thương giảm 13,1% nhưng số người chết vì TNGT chỉ giảm 0,4% (không đạt mục tiêu 5%).

Nguyên nhân là do ý thức của một số lái xe còn thấp, dù bằng cấp đầy đủ nhưng không chấp hành quy định như lái xe vẫn uống rượu bia, nghiện ma túy, đồng thời do cường độ làm việc quá cao.

Sắp tới, sẽ có một số quy định ràng buộc trách nhiệm chủ phương tiện theo hướng xử lý rất nặng lỗi này. Thậm chí, một số vụ tai nạn chết người đặc biệt nghiêm trọng có thể thu hồi phương tiện vĩnh viễn, cấm tài xế đó không được lái xe vĩnh viễn.

Về góc độ ngành, Bộ GTVT nhìn nhận, hạ tầng đường giao thông còn yếu kém. Cả nước có hơn 24.000 km đường với nhiều cầu, mỗi năm cần trung tu khoảng 5.000 km nhưng kinh phí duy tu hiện nay rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 20-30%, nếu kéo dài thì hệ thống giao thông càng hư hỏng nặng, gây tai nạn giao thông.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ xây dựng đề án, sẽ đăng ký Chính phủ đề án duy tu bảo trì đường bộ, xem công tác duy tu sửa chữa là quan trọng hàng đầu. Nếu thiếu tiền đường sẽ hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động kinh tế xã hội.

Ngoài ra, hệ thống đường sắt hiện nay đang rất yếu kém, dọc tuyến đường sắt còn 5.719 đường giao cắt nên việc đảm bảo an toàn giao thông cũng rất khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có đề án tập trung làm cầu vượt, đường tránh, gom tại các đường ngang…cần hơn 7.000 tỷ đồng.

PV: Những sự cố an toàn, an ninh hàng không gần đây xảy ra làm nhiều người đi máy bay cảm thấy lo sợ, vậy Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì để siết lại tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành hàng không gần đây có một số vấn đề ảnh hưởng đến an ninh hàng không như chất lượng kỹ thuật máy bay. Bộ GTVT sẽ làm việc với đội ngũ kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối mới cho cất hạ cánh, không sai sót; thứ 2 là phi công có cả trong và ngoài nước, sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các phi công có vấn đề.

Sau những sự cố vừa qua, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không làm việc với Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), các hãng sản xuất máy bay để xem xét nguyên nhân từng vụ tai nạn và có xử lý cụ thể tới tổ lái, doanh nghiệp, cảng hàng không cũng như cơ quan quản lý.

Khi phát hiện sai phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm, thật nặng thì mới đảm bảo được tính răn đe, đặc biệt các hãng hàng không có nhiều vấn đề sẽ tăng cường giám sát đặc biệt, khi đó doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn về thương quyền, về giá trị doanh nghiệp. Đó là điều không ai mong muốn nhưng vì an toàn nên phải làm, vì tính mạng con người là quan trọng nhất.

Với hàng không, khi xảy ra sự cố nhẹ thì Bộ GTVT thu hồi slot (cấp phép cất, hạ cánh), giảm thị phần, còn xảy ra sự cố nghiêm trọng sẽ có biện pháp mạnh hơn cả giám sát đặc biệt, thậm chí cấm bay. Theo chỉ đạo của Ban bí thư, Chính phủ sắp tới sẽ ban hành nhiều quy định mới chặt chẽ hơn. Bộ GTVT mong dư luận ủng hộ vì các doanh nghiệp khi tham gia vận tải phải đảm bảo an toàn, là lái xe hay phi công cũng phải vì tính mạng con người.

Bài toán BOT còn nan giải, nhưng phải xử lý

PV: Hiện vẫn còn nhiều trạm thu phí BOT kiểu “làm đường một mơi, thu phí một nơi” khiến người dân chưa đồng thuận. Gần đây nhiều trạm BOT đã bị người dân và lái xe phản ứng, Bộ GTVT có hướng giải quyết thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tất cả các dự án BOT khi triển khai đều được các bộ ngành, địa phương giám sát chặt chẽ, theo đúng căn cứ pháp luật. Nhưng hạn chế lớn nhất vừa qua là chưa lường trước được tác động, mặt trái là số lượng các trạm BOT trên một vùng quá lớn làm tăng chi phí vận tải. Với một số dự án BOT còn bất cập Bộ GTVT đang xử lý, hàng tháng chúng tôi đều báo cáo Chính phủ đưa ra các phương án.

bo truong nguyen van the xu ly tong the bai toan bot trong nam 2019
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tuy nhiên, không phải Bộ GTVT, Chính phủ tự quyết được vì còn liên quan đến kinh phí. Bộ cũng đã xem xét miễn giảm, nhiều dự án đã giảm từ 35.000 xuống 15.000 đồng/lượt/xe con, giảm thiểu bức xúc của người dân. Còn nếu không thu phí thì sao? Nhà nước phải bỏ tiền mua lại, nhưng ngân sách đang rất khó khăn.

Bài toán tổng thể xử lý BOT rất lớn, nên Bộ GTVT vẫn đang báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội hướng xử lý trong nhiệm kỳ tới. Một mình Bộ GTVT không thể quyết định dừng hay tháo dỡ trạm thu phí nào.

Với một số trạm gây bức xúc, hy vọng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến giải quyết.

Nếu Quốc hội đồng ý, chúng ta có thể bỏ kinh phí khoảng vài chục nghìn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm một số dự án gây bức xúc, nhưng ngân sách 5 năm đã phân bổ gần hết, nên hy vọng có thể bố trí vốn trong nhiệm kỳ 2020-2025.

PV: Đến thời điểm này, ông đã nhận trọng trách “Tư lệnh ngành giao thông” được gần 2 năm, nhưng ngành giao thông chưa khởi công được dự án nào lớn, cá nhân ông đánh giá thế nào? Điều này có phản ánh khó khăn trong thu hút vốn, nhà đầu tư của ngành giao thông?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tôi nhận cương vị Bộ trưởng GTVT đến nay được 14 tháng, với 2 dự án trọng điểm là dự án cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành, công việc phải làm rất nhiều nhưng thầm lặng. Thời gian qua không khởi công được vì phải thực hiện tuần tự theo quy định từ tư vấn, xây lắp đều là đấu thầu quốc tế, phải thực hiện đúng Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, theo nghị quyết của Quốc hội sẽ xây dựng các dự án BOT trên các tuyến song hành, mới hoàn toàn từ cầu, đường, cống. Do chi phí rất cao nên dự kiến 3 năm nữa khi số lượng ôtô tăng nhanh, đường hiện hữu quá tải, cân bằng phương án tài chính thì mới có thể thực hiện được các dự án BOT mới.

PV: Năm 2019, Bộ GTVT sẽ tập trung vào các dự án giao thông lớn nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2019 phải triển khai một số công trình trọng điểm là đường cao tốc Bắc Nam phía đông và sân bay quốc tế Long Thành. Dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản đáp ứng được tiến độ. Về Long Thành, Chính phủ đã phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT đang phối hợp với địa phương kiểm đếm để năm 2019 chi trả đền bù.

Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã phê duyệt 11 dự án, dự kiến tháng 4/2019 sẽ bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương, sẽ chọn lựa các đoạn ít ảnh hưởng đến dân cư để làm trước. Năm 2019 sẽ cố gắng giải ngân 50% nguồn vốn giải phóng mặt bằng mà Quốc hội đã bố trí (gần 15.000 tỷ đồng) khoảng 7.000 tỷ đồng.

Với 3 dự án vốn ngân sách sẽ khởi công trong 2019, cho tạm ứng giải ngân dần. 8 dự án PPP sẽ cố gắng đến tháng 9 sơ tuyển xong nhà đầu tư. Bộ GTVT mong muốn cuối 2019 sẽ chọn được nhà đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cho 2020-2021 tập trung vào công tác xây dựng.

Bộ GTVT sẽ kiên trì thực hiện đấu thầu quốc tế rộng rãi chọn nhà đầu tư, trách nhiệm của nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu. Nhà nước chỉ quản lý khung giá, nhà đầu tư có thể chủ động trong khung giá này.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!