Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son


Phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son sáng nay (21/11) tiếp tục “nóng” với những nội dung liên quan đến quản lý báo chí.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP HCM) cho rằng, dù nhà nước không chấp nhận, không cho phép nhưng thực tế đã xuất hiện xu hướng báo chí không lành mạnh như dư luận vẫn gọi là “báo lá cải” và tác động tiêu cực tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ, và những biểu hiện phức tạp về tội phạm vị thành niên hiện nay có bắt nguồn từ xu hướng không lành mạnh này.

Đại biểu Trang chất vấn: “Thời gian tới, Bộ chủ trương làm gì để chấm dứt tình trạng này?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Vì thế Bộ trưởng khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. “Tuy nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đây là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải chứ Việt Nam không có báo lá cải” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giải pháp được ông Nguyễn Bắc Son đưa ra là sẽ tăng cường kiểm tra để ngăn chặn kịp thời, xử lý sai phạm. Bộ cũng có kế hoạch đối với công tác đào tạo để nâng cao đạo đức của phóng viên trong quá trình tác nghiệp, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản, duy trì phương thức, quy trình làm báo đã quy định để hạn chế, tiến tới không còn những sai phạm đã được chỉ ra.

Về qui hoạch, quản lý hệ thống báo chí, trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đội ngũ báo chí hùng hậu (hơn 800 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình và hàng trăm báo, trang tin điện tử) nhưng việc quy hoạch, quản lý chưa tốt nên vẫn xảy ra tình trạng trùng lặp thông tin, cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng còn cho biết thêm, hiện cả nươc có 17.000 phóng viên được cấp thẻ đang hoạt động, trong đó riêng truyền hình có khoảng 5.000 phóng viên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đây là lực lượng khá hùng hậu nhưng vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong quá trình tác nghiệp của một bộ phận báo chí như việc một số tờ báo hoạt động chưa đúng tôn chỉ mục đích, đưa tin tiêu cực nhiều, không phù hợp. Nhiều báo thậm chí còn đưa tin sai, không kiểm chứng, đưa tin ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phân tích tỉ mỉ, diễn giải quá kỹ các vụ án, gây hoang mang xã hội.

Về vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, ông Son thừa nhận đây là thách thức rất lớn của ngành Thông tin-Truyền thông. Bộ TT-TT đã tham mưu cho Chính phủ định hướng báo chí theo hướng sắp xếp, tổ chức lại để đảm bảo vẫn đủ về số lượng đầu báo lại nâng cao được chất lượng. Bộ chủ trương xây dựng mô hình cho phép một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Mục tiêu cụ thể nhất, phấn đấu đến năm 2020 các cơ quan báo chí đều tự hạch toán, nhà nước chỉ hỗ trợ đặt hàng với những ấn phẩm cho khu vực vùng sâu vùng xa, vùng trọng điểm của nhà nước. Truyền hình thì phải tự sản xuất 50% chương trình, hạn chế việc nhập chương trình, phim truyền hình từ nước ngoài về để phát sóng.

Về việc sửa đổi Luật báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Đến giờ chúng ta chưa thể nói được điều gì về sửa đổi luật báo chí nói chung. Nhưng trong thời gian tới luật báo chí chắc chắn sẽ phải sửa đổi.

Với những thông tin xuyên tạc, sai sự thật được đăng tải trên mạng thời gian qua, ông Nguyễn Bắc Son cho biết: Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai quản lý việc này. Tiếp tục xem xét xem có lỗ hổng nào sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, có thể phủ kín hành lang pháp lý. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền để các cơ quan truyền thông đưa tin chính thống của nước nhà, ngăn cản thông tin độc hại này trên mạng…

“Nếu có sự phối hợp từ trung ương đến địa phương, từ nhà trường đến xã hội thì chắc chắn tình trạng trên sẽ được đẩy lùi” – ông Nguyễn Bắc Son nói./.

Theo VOV