bo truong luc quan my can them can cu quan su tai chau a de doi pho trung quoc
Quân đội Mỹ tập trận tại Hàn Quốc, nơi có khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú (Ảnh: Getty)

“Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong các hệ thống vũ khí của nước này, bao gồm tầm xa cũng như độ chính xác của lực lượng tên lửa, vốn được thiết kế nhằm đánh bại hoặc giảm bớt đáng kể tính hiệu quả của các lực lượng quân sự Mỹ”, Bộ trưởng Lục quân Mark Esper nhận định trong văn bản trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Mỹ, trước phiên điều trần tại Thượng viện hôm 17/7 nhằm phê chuẩn đề cử của Tổng thống Trump về việc bổ nhiệm ông Esper vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Theo Bộ trưởng Esper, Trung Quốc “đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển các tên lửa hành trình tấn công mặt đất, cũng như các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, nhằm đặt các mục tiêu ở tận chuỗi đảo thứ hai vào tầm nguy hiểm”, ông Esper nói, đề cập tới “chuỗi đảo” trải dài từ Nhật Bản xuống quần đảo Mariana và Micronesia ở Thái Bình Dương.

Khi được hỏi về sự cần thiết của việc đầu tư vào “một loạt căn cứ chính cũng như các căn cứ thứ cấp, gồm cấp hai và cấp ba”, Bộ trưởng Esper cho rằng Mỹ “cần phát triển các căn cứ hoạt động thay thế” trong khu vực.

“Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục phát triển các khái niệm mới, xây dựng lực lượng phân tán và dẻo dai, đồng thời phát triển các năng lực mới để đối phó với các mối đe dọa”, ông Esper cho biết.

Tuy nhiên, theo ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, “trong khi đối đầu với đối thủ ngang sức” như Trung Quốc và Nga, Mỹ “không nên kỳ vọng rằng một đợt đầu tư hay chuyển đổi sẽ giải quyết hoàn toàn mối đe dọa”. Thay vào đó, Lầu Năm Góc “phải tiếp tục thích nghi khi mối đe dọa tăng lên”.

Nhận định của Bộ trưởng Esper cũng tương đồng với những gì mà các chuyên gia từng cảnh báo trước đây, đó là quân đội Mỹ cần dịch chuyển khỏi những căn cứ quân sự quy mô lớn truyền thống khi chúng dễ trở thành “miếng mồi” tấn công của các tên lửa uy lực Trung Quốc.

“Câu trả lời của ông ấy đã phản ánh điều mà các tư lệnh không quân hay các tướng quân đội khác từng nói về sự cần thiết của việc đa dạng hóa các căn cứ quân sự truyền thống, quy mô lớn, như căn cứ không quân Kadena tại tỉnh Okinawa, Nhật Bản”, Lyle Morris, nhà phân tích chính sách cấp cao chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Rand Corp, cho biết.

Sức mạnh quân sự Mỹ có thể răn đe Trung Quốc

bo truong luc quan my can them can cu quan su tai chau a de doi pho trung quoc
Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam (Ảnh: BBC)

Theo quan sát của quân đội Mỹ, gần 95% tên lửa trong kho vũ khí của Lực lượng Tên lửa Lục quân Trung Quốc có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Điều này đồng nghĩa với việc các căn cứ quân sự chính của Mỹ rải khắp lãnh thổ Nhật Bản đều nằm trong tầm tấn công của hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tối tân của Trung Quốc.

Một số chuyên gia an ninh khu vực thậm chí còn phỏng đoán rằng, quân đội Trung Quốc có thể đang luyện tập cho các cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ tiền đồn vốn được xem là xương sống cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Năm 2017, sĩ quan hải quân Mỹ Thomas Shugart, sau này là nhà nghiên cứu quân sự cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, đã phát hiện các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy các địa điểm tại sa mạc Gobi, Trung Quốc được sử dụng làm nơi tập luyện các cuộc tấn công giả định nhằm vào các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại Nhật Bản, như căn cứ hải quân ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, hay các căn cứ không quân ở Kadena và Misawa, tỉnh Aomori.

Theo Shugart, một cuộc tấn công phủ đầu như vậy “rất có khả năng xảy ra, đặc biệt nếu Trung Quốc tin rằng những lợi ích chiến lược của nước này đang bị đe dọa, đồng thời nhận ra những nỗ lực răn đe của họ đã thất bại”.

Để đối phó với kịch bản trên, Bộ trưởng Esper và nhiều người khác đang ủng hộ việc đa dạng hóa các căn cứ quân sự của Mỹ.

“Hãy nghĩ đến những địa điểm khác tại Nhật Bản, Philippines, châu Đại Dương. Để khi Trung Quốc tấn công Kadena, Mỹ vẫn có thể vận hành máy bay từ những nơi khác”, nhà phân tích Morris nhận định.

Nick Bisley, chuyên gia về châu Á và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Australia, cho rằng bình luận của Bộ trưởng Esper là một phần trong xu thế dài hạn hơn được khởi xướng bởi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, một phần trong chiến lược tái cân bằng và xoay trục sang châu Á, “trong đó Mỹ vẫn tìm cách duy trì quy mô và tác động cơ bản của lực lượng quân sự truyền thống ở châu Á, nhưng theo hướng linh hoạt và có mục tiêu hơn”.

Khi đề cập tới sự cần thiết của Mỹ trong việc “phát triển các năng lực mới”, Bộ trưởng Esper dường như ngụ ý tới môi trường an ninh khu vực đang thay đổi tại châu Á, đặc biệt sau khi Mỹ quyết định dừng Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký với Nga vào năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.

Theo đó, “năng lực mới” mà Bộ trưởng Esper nhắc đến có thể bao gồm việc triển khai các tên lửa tầm xa mặt đất tới Nhật Bản và những nơi khác trong khu vực. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng bắt đầu tìm cách đối phó với năng lực tấn công của Trung Quốc, bao gồm các tên lửa mặt đất được thiết kế để tấn công các tàu ở ngoài khơi có khả năng răn đe Bắc Kinh.

“Tuy nhiên, các tên lửa mặt đất của Mỹ vẫn có tầm bắn xa hơn và rốt cuộc Bắc Kinh sẽ phải trả giá nếu muốn thử thách liên minh (Mỹ - Nhật)”, Sheila Smith, nhà nghiên cứu cấp cao về Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, nhận định.