Kế hoạch biên tập bộ sách giáo khoa riêng của Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh và những người hoạt động trong ngành giáo dục. Bộ sách được kỳ vọng khắc phục một số nhược điểm của những bộ sách trước đó như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Tuy nhiên, bộ sách này cần được biên soạn theo hướng nào, tích hợp các kiến thức, kỹ năng ra sao để học sinh dễ học, tránh xảy ra tình trạng “bình mới rượu cũ” khi biên soạn?

bo sach giao khoa rieng cua tphcm tranh binh moi ruou cu

Đa số giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh đều kỳ vọng bộ sách giáo khoa riêng của thành phố sẽ giúp học sinh có nhiều hứng thú học tập và dễ tiếp thu hơn. Bởi bộ sách này được biên soạn riêng, mang tính đặc thù vùng miền, không bị đóng khung như chương trình hiện nay. Tuy nhiên, những người làm công tác biên soạn cần chú trọng để học sinh rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Giáo viên môn Văn của trường Song ngữ quốc tế Horizon, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: nhiều nước trên thế giới thường không đóng khung chương trình học như Việt Nam. Việc quy vào một khung chương trình học dẫn đến học sinh nhiều vùng miền không hiểu cách diễn đạt trong bài học, không hiểu từ, cụm từ ấy nghĩa là gì. Ví dụ môn Văn, nhiều ngôn từ ở miền Bắc thì học trò miền Nam không hiểu và ngược lại. Hay như hình thức dạy học và đánh giá trình độ học sinh ở môn Văn như hiện nay cũng khá cứng nhắc. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh chỉ thông qua hình thức viết bài luận sẽ không thể giúp đánh giá học sinh một cách toàn diện, nhất là ở khía cạnh ngôn ngữ cần được đánh giá ở cả nghe, nói, đọc, viết. Vì vậy, bộ sách giáo khoa mới cũng cần được biên soạn theo hướng mở, với những cách học và cách đánh giá thích hợp, phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng “bổn cũ soạn lại”, “bình mới rượu cũ”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp nói: “Hiện nay có những bài mà học trò cứ thờ ơ, ngay cả thầy cô giáo cũng cứ dạy mãi một bài cũ thì rất là chán. Trong khi cuộc sống bây giờ quá sôi động, mọi thứ đều thay đổi rất nhanh, mà chương trình thì quá cũ. Vì vậy chúng ta cần phải thay đổi. Tôi rất hi vọng về bộ sách giáo khoa riêng của thành phố, quan trọng là những người tham gia biên soạn bộ sách này cũng cần phải thật sự hiểu được học sinh cần gì”.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng là người ủng hộ và kì vọng nhiều vào một bộ sách giáo khoa mang đặc thù của thành phố. Điều ông lo ngại lúc này là nếu chưa có khung chuẩn kiến thức một cách rõ ràng thì việc xây dựng bộ sách sẽ trở nên vô nghĩa và người học sẽ nhận hậu quả. “Phải có kiến thức chuẩn thật rõ ràng, dựa vào đó để viết sách mới. Tôi ví dụ tính đạo hàm rành rẽ tới mức độ nào, tính tích phân rành rẽ tới mức độ nào… Để người viết sách biết được, bảo đảm kiến thức đó. Chứ nếu không khi thi đề của Bộ Giáo dục hỏi cao hơn thì học trò là người chịu hậu quả”.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong khi chờ Bộ ban hành khung chương trình chuẩn, Sở đã tập hợp các tác giả, giảng viên, giáo viên ở các trường đại học, trung học phổ thông để tập huấn phương pháp viết sách mới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Võ Thị Thu, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 5, một thành viên trong Hội đồng viết sách cho rằng: Bộ sách giáo khoa mới cần bám sát khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như mục tiêu cần đạt là gì, kiến thức học sinh cần lĩnh hội như thế nào. Sách mới phải giúp học sinh học nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn lĩnh hội đủ kiến thức cho mình. Muốn được như vậy, hình thức trình bày của sách cũng cần được cải tiến, nội dụng phải được tích hợp nhiều bộ môn trong một bài. Ví dụ: một bài về tự nhiên và xã hội, học sinh vừa có thể vẽ để phát huy trí tưởng tượng của mình, vừa có thể học thuộc dễ dàng qua những câu hò vè. Môn Tiếng Việt cũng có thể lồng ghép cả những bài học về địa lý, lịch sử… để học sinh rèn được nhiều kỹ năng, áp dụng vào thực tế cuộc sống nhiều hơn.

Bà Võ Thị Thu cũng cho rằng, ngoài bộ sách riêng để dạy thì giáo viên và học sinh có quyền chọn chứ không hẳn là bắt buộc vùng miền này phải theo bộ sách vùng miền này. Ở các tỉnh thành khác nếu có điều kiện, có đủ giáo viên và nhân lực thì cũng có thể dựa trên khung kiến thức Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để tự xây dựng bộ sách cho riêng mình.

Bộ sách giáo khoa riêng của Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa vào dạy thử nghiệm, sau đó dạy chính thức trong vòng hai năm tới. Vì vậy, để tránh tình trạng “bình thì mới nhưng rượu vẫn cũ”, bộ sách này cần được xây dựng một cách thận trọng, phong phú về nội dung và mang tính đặc thù của một thành phố năng động bậc nhất của cả nước./.