Trong nhiều năm trở lại đây, cứ đến mùa lễ hội, chúng ta lại bắt gặp những cảnh tượng không hay xảy ra, từ những hình ảnh người dân chen lấn, giẫm đạp nhau tại những lễ hội lớn, đến nhiều dịch vụ biến tướng, phản cảm xuất hiện tràn lan. Rồi tư tưởng, quan niệm đi lễ chùa cũng bị lệch lạc...

bien tuong trong hoat dong le hoi trach nhiem khong cua rieng ai
Lễ hội Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh - một trong những lễ hội được tổ chức sớm nhất sau Tết nguyên đán (mồng 4 Tết) được tổ chức khá tốt.

Sáng 21/2, tức mùng 6 Tết Nguyên đán mới chính thức khai hội chùa Hương. Thế nhưng, ngay từ chiều tối ngày hôm trước, hàng chục ngàn người đã đổ về trẩy hội gây cảnh hỗn loạn, tắc đường nhiều giờ trên các tuyến đường về chùa, ở Bến Đục và lối lên động Hương tích. Điều đáng nói là cứ đến mùa lễ hội tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách, cũng như cảnh chen lấn xô đẩy vẫn diễn ra thường xuyên.

Chị Nguyễn Phương Trinh ở Hà Nội cho biết: “Ngay từ khi đoàn chúng tôi đến Hà Đông đã có người đi xe máy chạy theo chèo kéo mua vé và các dịch vụ đi lễ chùa… Mặc dù không đồng ý nhưng họ vẫn cứ chạy xe theo cả cây số mời chào… Năm nào cũng vậy, giá của họ thì luôn cao hơn ban tổ chức công bố".

Không chỉ ở chùa Hương, hầu như ở khắp các lễ hội đầu năm, cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau không phải là hiếm. Nhìn những hình ảnh chen lấn toát mồ hôi, những đứa trẻ, những cụ già bị chèn “bẹp dúm” không còn hơi sức mà thở, thậm chí có người phải nhờ lực lượng chức năng giải cứu mới thoát khỏi đám đông tại lễ khai ấn đền Trần cách đây ít năm mới thấy thật kinh khủng.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc đến từ Viện nghiên cứu Văn hóa đánh giá về hiện tượng này: “Tôi thấy Khai ấn đền Trần Nam Định thực ra mà nói rất hay, đúng là quê hương hào khí Đông A. Nhưng mà những người tranh cướp nhau những cái ấn rởm ấy, tôi thấy thảm hại”.

bien tuong trong hoat dong le hoi trach nhiem khong cua rieng ai
Lễ hội làng Thúy Lĩnh, Hoàng Mai, Hà Nội tổ chức vào ngày 4 đến 6 Tết Nguyên đán. Trong đó thu hút du khách nhất là sân vật cầu, với sự tham gia của các trai tráng trong làng... Là 1 hoạt động mang tinh thần thể thao, thượng võ, tuy nhiên, trong những trận đấu này, đôi khi các vận động viên vẫn không tránh khỏi việc "động chân, động tay" do mâu thuẫn trong quá trình thi đấu

Nếu như lễ vật ngày xưa thật đơn giản chỉ là vàng hương, oản chuối, trầu cau và tấm lòng thành. Thì bây giờ thay cho những thứ đó là xôi, gà, bia, nước ngọt, hình nhân thế mạng, nhà lầu, xe hơi giấy... Người ta mang tiền thật đi mua tiền giả để đốt, lòng thành chả thấy đâu, thực chất là đem tiền ra đốt. Có lẽ người ta đang bóp méo và tạo ra một giá trị ảo trong suy nghĩ về các lễ hội.

Người dân đã thế, những người có trách nhiệm tổ chức lễ hội cũng không có giải pháp để định hướng, để tuyên truyền cho cộng đồng hiểu được đúng ý nghĩa của một lễ hội và việc tham gia lễ hội. Tình trạng thay đổi, lồng ghép những yếu tố vay mượn, góp nhặt từ các lễ hội khác nhau, khiến cho lễ hội nào cũng na ná, nhàn nhạt như nhau?

Giáo sư Nguyễn Văn Huy – nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng, xu hướng nâng cấp lễ hội trở thành một căn bệnh đang chớm nở và chúng ta cần phải phòng ngừa, nếu để cái này tràn lan thì chúng ta sẽ thể hiện một cách ứng xử rất sai lầm với văn hóa dân gian và lễ hội dân gian.

Trong khi đó, những giá trị văn hóa của các lễ hội đó nó chính là đảm bảo cho sự đa dạng của văn hóa thì tất cả những câu chuyện ấy đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, chúng ta không thể tạo ra một sự bất bình đẳng trong đánh giá về các giá trị văn hóa của các lễ hội.

Còn nhớ năm 2010, Unesco công nhận nhận “Đền Gióng” là Di sản phi vật thể của nhân loại. Vừa đúng lúc đại diện Unesco đọc xong quyết định trao danh hiệu, trước sự vui mừng của chính quyền địa phương thì ở dưới thanh niên hò nhau xông vào cướp hoa, cướp kiệu, giằng xé “lộc” mang về lấy may... Những hình ảnh ấy diễn ra ngay trước mắt quan khách, khiến những vị đại diện tổ chức quốc tế kia chỉ biết trợn mắt “đứng hình” mà... thưởng thức văn hóa dân tộc Việt Nam!?

Và rồi sau đó thì năm nào cũng vậy, chỉ có khác biệt là năm sau “bạo liệt” hơn năm trước mà thôi. Đến mức, mùa lễ hội năm nay, theo thông báo của Ban tổ chức lễ hội sẽ không tổ chức rước kiệu để tránh tình trạng đánh nhau, cướp lộc như mọi năm…

Có thể nói rằng, nhiều lễ hội dân tộc đang chịu sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường hoặc bị sân khấu hóa, mang nặng yếu tố chi phối của đạo diễn sân khấu nên bản sắc lễ hội đang mai một dần đi. Tiến sỹ ca trù Nguyễn Xuân Diện đã từng bày tỏ sự bức xúc khi đề cập đến vấn đề này: Lễ hội và việc kịch hóa lễ hội, sân khấu hóa lễ hội đang tràn lan hiện nay làm biến tướng các lễ hội.

Điều đáng lo ngại là cuộc xâm lấn thương mại này, lúc thầm lặng, lúc công khai dữ dội. Và dường như những người tổ chức cũng đã dần quen với cuộc xâm thực đó và coi thương mại hoá lễ hội là chuyện... bình thường.

Nền văn hoá của mỗi dân tộc đều có nguồn cội sâu xa, và theo tiến trình của lịch sử thì các nền văn hoá có sự giao thoa. Nhưng nếu yếu tố tiêu cực lấn chỗ văn hoá truyền thống, để sản sinh ra những thứ sản phẩm văn hoá lai căng, kệch cỡm thì rõ ràng, văn hoá truyền thống đã đứng trước nguy cơ bị đồng hoá.

Chính như thế, vai trò của giáo dục cần phải được chú trọng đề cao hơn nữa trong thời điểm hiện nay. Có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, người dân mới biết tôn trọng truyền thống dân tộc và không còn những hình ảnh “chướng tai, gai mắt”, thiếu văn hóa xảy ra ở một vài lễ hội như hiện nay./.