Công tác tuyên truyền, vận động đi trước…

Những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tham mưu, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, các huyện biên giới chỉ đạo các đơn vị cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú đã được tiến hành như: Mô hình "Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh lớp 9 các trường THCS khu vực biên giới"; mô hình "Bản tin vùng biên"; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi họp tổ dân cư; tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi, kết hợp tuyên truyền chung với tuyên truyền cá biệt; tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc để tuyên truyền, vận động. Nhiều nội dung tuyên truyền đã được sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, kết hợp tổ chức phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tự quản đường biên cột mốc; giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản.

bien gioi thanh binh tham tinh huu nghi

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (BĐBP tỉnh Nghệ An) giúp dân làm đường giao thông.

Đến nay, 22 đồn biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An đang trực tiếp giúp đỡ gần 540 hộ thuộc diện khó khăn, gia đình chính sách thoát nghèo; giúp củng cố lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên... Hiện BĐBP tỉnh Nghệ An đang phân công 25 đồng chí cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn.

Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: “Để góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, xóa các “điểm trắng” về thông tin ở các bản, ngoài những biện pháp tuyên truyền, Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã đề xuất xây dựng 5 tủ sách tại các trường học và tại các xã: Bắc Lý, Mỹ Lý với gần 2.000 cuốn. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng nên trong những năm qua tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn đã giảm hẳn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện”.

Giúp dân phát triển kinh tế để “an cư”

Dọc tuyến biên giới phía tây Nghệ An, các đồn biên phòng, các đơn vị thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động nhân dân và có các chủ trương phù hợp phát huy tiềm năng, lợi thế ở từng địa bàn để phát triển kinh tế như: Tăng cường khai hoang và thâm canh lúa nước, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc sản ở các địa phương để trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập cho đồng bào; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời trực tiếp vận động, hướng dẫn bà con thực hiện đạt hiệu quả cao.

Nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình trên tuyến biên giới mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, như: Trồng cỏ voi, nuôi trâu, bò, trồng khoai sọ ở các xã Na Ngoi, Mường Típ; chăn nuôi bò nhốt ở Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn); mô hình trồng chanh leo ở xã Tri Lễ (huyện Quế Phong); trồng bí xanh và dưa hấu ở xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn); trồng cây trầm gió, nuôi gà đen ở xã Tam Hợp (huyện Tương Dương)…

Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã hỗ trợ gia đình ông Lương Văn Phượng, ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Kết quả, hơn 6 sào chè công nghiệp đang cho thu nhập ổn định, ao cá, ruộng lúa giúp gia đình ông tự túc được về lương thực, thực phẩm; đàn bò thường xuyên có 4-5 con. Nhiều gia đình ở Ngọc Lâm cũng đang học hỏi, làm theo mô hình VAC của gia đình ông Phượng. Còn ông Và Pó, ở bản Nậm Tấy, cụm bảm Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng Việt Nam mà mô hình kinh tế VAC của gia đình tôi đang phát huy hiệu quả”.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An và 3 tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (Lào) đã tổ chức kết nghĩa được 18 cặp bản đối diện hai bên biên giới, hiện đang khảo sát tiếp một cặp bản để tổ chức kết nghĩa trong thời gian tới. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, hai bên tổ chức qua lại thăm hỏi, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị. Các cấp chính quyền ở Nghệ An đã hỗ trợ bạn xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng và 3 "Nhà hữu nghị" cho 3 hộ nghèo từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ tư lệnh BĐBP với tổng kinh phí 1,18 tỷ đồng, Bộ tư lệnh BĐBP hỗ trợ bổ sung 100 triệu đồng để xây dựng các công trình bể chứa nước, nhà vệ sinh; ngoài ra còn giúp bạn về cây, con giống để phát triển kinh tế hộ gia đình; mở 2 lớp dạy tiếng Việt cho 70 học viên Lào...

Những việc làm thiết thực trên đã giúp nhân dân khu vực biên giới nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tăng cường tình hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt-Lào./.