Bệnh nhân A Thiết, ở thôn 1, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum tử vong sau 8 ngày điều trị tại Trung tâm y tế huyện này. Gia đình đã tố cáo việc tắc trách của đội ngũ y bác sĩ trong quá trình điều trị dẫn đến bệnh nhân tử vong.

benh nhan tu vong gia dinh to bac si tac trach dun day trach nhiem
Chị Y Nạc bên bàn thờ chồng.

Tắc trách đầu tiên là trong suốt quá trình điều trị, từ ngày 25/11 đến ngày bệnh nhân tử vong 1/12/2017 tại Khu điều trị số 2, Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, những người tham gia điều trị cho bệnh nhân A Thiết đã không theo sát diễn biến bệnh, bỏ sót nhiều triệu chứng dẫn đến việc trong 4 ngày đầu chẩn đoán, điều trị sốt siêu vi. Từ ngày thứ năm đến thời điểm bệnh nhân tử vong chẩn đoán, điều trị sốt mò. Chính quá trình thăm khám thực hiện qua loa, nhiều dấu hiệu bệnh bị bỏ qua, như triệu chứng đau bụng thượng vị, bụng chướng nhẹ, đi cầu phân lỏng đã dẫn đến việc chẩn đoán không chính xác, điều trị không hiệu quả, bệnh nhân tử vong không rõ nguyên nhân.

benh nhan tu vong gia dinh to bac si tac trach dun day trach nhiem
Khu điều trị số 2- Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai nơi anh A Thiết tử vong.

Bác sĩ Võ Văn Quang, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai cho biết, bác sĩ Huỳnh Ngọc Bích, Phụ trách điều trị đã thừa nhận điều này: “Trong thăm khám còn bỏ sót dấu hiệu của sốt Rikettsia là đến ngày thứ tư mới phát hiện. Và nguyên nhân đó có lẽ theo chúng tôi là bệnh nhân có đau bụng, đi cầu. Qua chẩn đoán bắt đầu vào cấp cứu cho đến lúc bệnh nhân tử vong thì chúng tôi nghĩ đó là sốc của nhiễm khuẩn huyết”.

Tắc trách nữa là vào lúc 15 giờ chiều 1/12/2017, khi bệnh nhân A Thiết có diễn biến xấu, như: đau đầu, nôn nhiều, nôn khan ra nước lợn cợn có máu, sốt cao, kích thích vật vã... được xác định phải chuyển gấp tuyến trên nhưng mãi hơn 3 tiếng sau mới có xe cứu thương.

Điều mà dư luận cũng như gia đình quan tâm và cũng cần phải làm rõ, có hay không việc Khu điều trị số 2, Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai cố tình chuyển bệnh nhân A Thiết tới cơ sở điều trị khác trong tình trạng đã tử vong?. Theo chị Y Nạc, vợ của A Thiết chồng của mình đã chết rồi nhưng bác sĩ vẫn cho lên xe cấp cứu chuyển viện.

“Từ lúc 5 giờ đã tắt thở nhưng mấy y bác sĩ ở đó cũng ép tim, truyền nước tiêm thuốc. Chị cũng có hỏi có khả năng hồi phục lại, có tỉnh lại hay không nhưng họ bảo không sao. Mình cũng hi vọng nhưng biết đã chết rồi. Nhìn thấy người tím tái có thấy thở gì nữa đâu”.

Đại úy, y sỹ điều trị Điêu Văn Hải, Bệnh xá Quân dân Y, Công ty 715, Binh đoàn 15 ở làng Lênh, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, nơi bệnh nhân A Thiết được chuyển tới lúc 18h30 ngày 1/12/2017, cũng khẳng định, bệnh nhân được chuyển tới trong tình trạng đã tử vong: “Tôi ở trên bếp ăn cơm nghe ồn ào chạy xuống thì họ đã khiêng người xuống sảnh rồi. Tôi kiểm tra nhịp tim không có, tiến hành bóp bóng. Bảo nhân viên đi lấy thuốc để tiêm nhưng nhân viên của họ đưa ra đã tiêm trên chục ống Adredlin rồi. Tôi kiểm tra các sinh liệu không còn. Bệnh nhân da, niêm mạc tái, người mềm, sinh liệu không có, mạch, nhiệt độ, huyết áp không có gì hết, nhịp tim không còn. Bệnh nhân đã chết trước khi vào đây”.

benh nhan tu vong gia dinh to bac si tac trach dun day trach nhiem
Bệnh xá Quân dân Y, Công ty 715, Binh đoàn 15 nơi anh A Thiết được chuyển tới trong tình trạng đã tử vong.

Trước kiến nghị của gia đình và quan tâm của dư luận, ngày 17/1, tức sau hơn 1 tháng rưỡi xảy ra sự việc, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã thành lập Hội đồng xuống huyện Ia H’Drai kiểm tra xác minh và tìm nguyên nhân tử vong của bệnh nhân A Thiết.

Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai cũng đã thực hiện việc điều chuyển bác sĩ Huỳnh Ngọc Bích, người Phụ trách điều trị cơ sở 2 nơi bệnh nhân A Thiết tử vong về Trung tâm y tế huyện và thay thế bằng một bác sĩ khác. Điều này càng làm gia tăng sự nghi vấn là: Bệnh nhân tử vong ở Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai tỉnh Kon Tum là do thầy thuốc ở đây tắc trách rồi đùn đẩy trách nhiệm./.