Phép thử với các chính đảng truyền thống tại EU

Những lo ngại về các đảng chính trị theo đường lối cực hữu và dân túy lại nổi lên trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 khi cuộc bầu cử này đang đến rất gần. Một số quốc gia như Hà Lan hay Estonia sẽ tổ chức bầu cử sớm ngay trong ngày 23/5 và các nước còn lại trong ngày 26/5. Điều đặc biệt là ở một số nước, như tại Tây Ban Nha thì dịp này cũng là dịp diễn ra các cuộc bầu cử địa phương cùng lúc.

bau cu chau au va moi de doa tu cac dang cuc huu dan toc chu nghia
Bầu cử châu Âu và mối đe doạ từ các đảng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa. Ảnh: Reuters

Có thể nói, vào thời điểm này các cuộc vận động tranh cử đã đi vào giai đoạn nước rút và đến lúc này, thông qua các phân tích, các cuộc thăm dò dư luận, chúng ta đã có thể có một cái nhìn tương đối tổng quan về những gì có thể sẽ diễn ra trong tuần này tại châu Âu. Theo đó, nếu các cuộc thăm dò dư luận chính xác thì thời điểm cuối tuần này sẽ chứng kiến 2 điều nổi bật của cuộc bầu cử châu Âu: một là, lượng cử tri đi bầu sẽ rất thấp, ở một vài nước chỉ ở mức 20-25% và hai là, các đảng dân tộc chủ nghĩa, dân tuý, cực đoan cánh hữu… có thể sẽ tạo nên một cú đột phá quan trọng, trở thành một trong 3 nhóm chính trị lớn nhất tại Nghị viện châu Âu.

Nếu điều này diễn ra thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến châu Âu. Nguyên nhân là vì các đảng dân tuý, cực hữu này, mà đại diện tiêu biểu nhất là Liên đoàn phương Bắc tại Italia, Tập hợp quốc gia tại Pháp, đảng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hay đảng Tự do (PVV) của Hà Lan… đều là các đảng mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chống châu Âu rất mạnh. Cuối tuần trước các đảng này đã có cuộc tập hợp lực lượng tại thành phố Milan (Italia) và đưa ra rất nhiều khẩu hiệu chống nhập cư, chống Hồi giáo và kêu gọi phá bỏ các thiết chế hiện nay của Liên minh châu Âu. Vì thế, một khi các đảng này nắm nhiều ghế trong Nghị viện châu Âu thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cản trở trong tiến trình xây dựng luật của châu Âu, cũng như thúc đẩy việc ra đời nhiều chính sách cực đoan.

Tuy nhiên, nguy cơ nghiêm trọng hơn không nằm ở số ghế mà các đảng này nắm giữ tại Nghị viện châu Âu mà ở chỗ, cuộc bầu cử châu Âu lần này được xem là phép thử đối với các đảng phái truyền thống đang cầm quyền tại các nước EU, vì thế, nếu các đảng dân tuý cực hữu thắng lớn cuộc bầu cử này thì đồng nghĩa với việc cử tri nhiều nước đang ủng hộ xu hướng chính trị này và điều này sẽ tạo nên các biến động chính trị lớn tại nhiều nước quan trọng của EU, giống như điều đã xảy ra ở Italia. Khi đó, tiến trình cải tổ EU chắc chắn sẽ bị cản trở nghiêm trọng.

Ngăn chặn đà thăng tiến của các đảng cực hữu, dân tuý

Các chính đảng truyền thống tại châu Âu đang hết sức lo ngại trước đà thăng tiến của các đảng cực hữu, dân tuý. Tại Pháp, thăm dò dư luận cho thấy là đảng cực hữu Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen thậm chí nhiều khả năng giành nhiều ghế hơn cả đảng Nền Cộng hoà tiến bước (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron. Chính vì thế, các chính trị gia cầm quyền tại châu Âu đang liên tiếp đưa ra các lời kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu đông đủ.

Lí do là nếu cử tri vắng mặt càng cao thì khả năng chiến thắng của các đảng cực hữu, các đảng hoài nghi châu Âu càng lớn. Tại Pháp, ông Emmanuel Macron gần như đã đích thân đứng ra vận động tranh cử cho đảng của mình, và thậm chí còn xuất hiện ở vị trí trung tâm trên các áp phích tranh cử, dù theo nguyên tắc thì Tổng thống Pháp là người đại diện cho tất cả người dân Pháp chứ không phải một đảng phái nào. Tại Đức, hôm 19/5 vừa qua, hàng trăm nghìn người đã xuống đường phản đối làn sóng dân tộc chủ nghĩa và bày tỏ sự ủng hộ đối với châu Âu.

Tuy nhiên, nhìn chung thì ngoài các lời kêu gọi và cảnh báo thì thời gian qua, chúng ta cũng không thấy những động thái hay chính sách nào cụ thể và mạnh mẽ từ phía các chính đảng ở các nước để ngăn chặn đà thăng tiến của xu hướng cực hữu, dân tuý hay bài châu Âu. Nguyên nhân là vì nội bộ các nước thành viên EU có các vấn đề hết sức khác biệt, mỗi nước tiếp cận với cuộc bầu cử châu Âu này với một ưu tiên khác nhau.

Tại Pháp, trọng tâm được thảo luận nhiều là kế hoạch cải tổ châu Âu đầy tham vọng của ông Macron cũng như việc các đối thủ của ông Macron đang khai thác điểm yếu của ông Macron trong vụ khủng hoảng “Áo vàng”. Nhưng tại Italia thì chủ đề chính là chống nhập cư, chống Hồi giáo, tại Đức lại là vấn đề môi trường… Vì thế, trên phạm vi toàn châu Âu, trong khi các phe cực hữu, dân tuý ít nhiều tập hợp được lực lượng thì các nhóm chính trị truyền thống lại đang thiếu một sự đoàn kết mạnh mẽ.

Cuối cùng, hiện tượng đáng lo ngại như hiện nay tại châu Âu xuất phát từ một nguyên nhân căn bản khác, đó là cử tri nhiều nước châu Âu không cảm thấy có sự gắn kết với cuộc bầu cử này. Trên danh nghĩa thì đây là cuộc bầu cử để lựa chọn ra 751 nghị sĩ châu Âu, đại diện cho người dân 28 nước EU, kể cả Vương quốc Anh, nhưng thực tế thì chỉ là sự tranh đua của các đảng phái.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu cũng không thực sự là một thiết chế có quyền lực lớn bởi phần lớn các quyết định và chính sách quan trọng của châu Âu là do Hội đồng châu Âu, tức nơi tập hợp 28 chính phủ các nước, hay Uỷ ban châu Âu, là cơ quan hành pháp châu Âu, đưa ra. Thậm chí là trong một số lĩnh vực thì Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Toà án công lý châu Âu còn có nhiều quyền lực hơn Nghị viện châu Âu. Tất cả những điều này khiến sự quan tâm của cử tri châu Âu với cuộc bầu cử Nghị viện khối là tương đối mờ nhạt và đó lại là cơ hội cho các lực lượng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa thăng tiến./.