bat cap viec xay dung cot han che trong tai tren tuyen duong giao thong nong thon

Trụ bê tông đường vào xóm Dinh A, xã Nga My, huyện Phú Bình do người dân trong xóm tự lập gây ách tắc giao thông. Ảnh: NQ.

Nhánh đường bê tông vào xóm Dinh A, thuộc tuyến đường giao thông nông thôn liên xóm xã Nga My, huyện Phú Bình. Nhánh đường này được thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2017.

Trong quá trình triển khai xây dựng có sự đối ứng của Nhà nước, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, một số người dân trong xóm Dinh A đã tự ý xây dựng 2 trụ bê tông trên đường cấm các xe tải lưu thông, với lý do là xe tải làm hỏng đường.

Điều này vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại vận chuyển hàng hóa bằng ô tô của người dân địa phương, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trên địa bàn. Với cách làm này, từ nay con đường đường này sẽ chỉ dành cho xe đạp, xe máy và xe cải tiến, tất cả các loại ô tô đều không thể đi qua được.

Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã nêu rõ, nghiêm cấm việc tự ý xây dựng bất kỳ một công trình nào làm cản trở đến giao thông trên các tuyến đường. Mặt khác, đường giao thông, dù xây từ nguồn tiền nào cũng là tài sản chung, ngay cả trong trường hợp được phân cấp cho cộng đồng dân cư quản lý, thì họ cũng không có quyền tự ý xây dựng các vật cản để hạn chế hoạt động của các phương tiện.

Để triển khai các văn bản của trung ương và tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2015 UBND huyện Phú Bình đã có văn bản số 80, gửi tới các địa phương trên địa bàn huyện yêu cầu về dỡ bỏ việc cắm cột mốc giới hạn trong tải trên các trục đường giao thông nông thôn. Việc làm gần đây của một số người dân xóm Dinh A, xã Nga My, huyện Phú Bình đã và đang không đúng với quy định của pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của nhân dân.

Qua tìm hiểu của phóng viên, việc cắm cọc cấm các phương tiện xe tải lưu thông trên tuyến đường giao thông nông thôn không chỉ ở xã Nga My mà tồn tại ở một số tuyến đường giao thông khác trên địa bàn tỉnh, ngay cả những tuyến đường do cơ quan Nhà nước quản lý.

Nhiều phương tiện giao thông qua đây do đường hẹp không điều khiển được đã đâm vào trụ bê tông, gây ra tai nạn. Việc hạn chế trọng tải trên tuyến đường giao thông nông thôn là điều nên làm, bởi việc thiết kế, kinh phí đầu tư cho những tuyến đường này không lớn, vì vậy xe có trọng tải lớn lưu thông sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, độ bền vững của công trình.

Chúng ta cần quy định rõ trọng tải của các loại xe được đi qua, tùy từng cấp độ con đường và nếu cần phải phân luồng giao thông, thì chỉ cắm biển hạn chế tốc độ, biển giới hạn tải trọng hoặc biển báo đường một chiều đối với các loại xe, chứ không nên xây dựng các trụ bê tông để cấm tất cả các loại xe ô tô đi qua.

Trước sự việc này đề nghị chính quyền các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền giải thích đây là hành vi không đúng với quy định của pháp luật, gây cản trở và làm mất an toàn giao thông. Nếu ở đâu còn có tình trạng này thì chính quyền địa phương cần phải sớm dỡ bỏ để giao thông trên các tuyến đường được thông suốt. /.