Nhà máy nước Túc Duyên (Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên) hiện nay có 9 giếng nước ngầm. Nếu như được hoạt động hết công suất thì mỗi ngày sản lượng nước ngầm của toàn nhà máy thì cũng chỉ chiếm được khoảng 30% sản lượng nước cung cấp cho toàn thành phố Thái Nguyên với trên 10 nghìn khối nước. Cũng chỉ bởi vì nguồn tài nguồn nước ngầm có hạn nên năm 2016, Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên đã nâng cấp công suất của xí nghiệp nước sạch Tích Lương lên 40 nghìn khối/ngày. Tuy nhiên nguồn nước mặt đảm bảo cho công tác khai thác sản xuất nước sạch cũng không phải là vô tận và rất cần được bảo vệ trong bối cảnh hiện nay.

Theo các chuyên gia về môi trường, những năm gần đây ở nhiều nơi hệ thống nước ngầm của chúng ta đều bị suy giảm. Vì vậy mà các chuyên gia cũng khuyến cáo là chúng ta nên dùng nước mặt đã qua xử lý để vừa đảm bảo về môi trường cũng như vừa đảm bảo về công tác vệ sinh tốt cho sức khỏe. Ông Lê Huy Phú, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CP nước sạch Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã đầu tư xây dựng cho các nhà máy sử dụng nước mặt trên Hồ Núi Cốc với công suất khoảng 50 nghìn m3/ngày/đêm để giảm dần có lộ trình khai thác nước ngầm ở khu vực thành phố tiến tới trong tương lai sẽ sử dụng nước mặt là chủ yếu".

bao ve nguon tai nguyen nuoc quy gia
Nhà máy nước Yên Bình với công suất thiết kế lên tới 90 nghìn m3/ngày/đêm.

Còn đối với nhà máy nước Yên Bình với công suất thiết kế lên tới 90 nghìn m3/ngày/đêm. Ngay từ khi chấp nhận chủ trương đầu tư thực hiện dự án, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt việc đảm bảo môi trường nước đầu vào. Quy trình sản xuất nước của nhà máy cũng luôn tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc tiết kiệm năng lượng, vì vậy nhà máy luôn vận hành ở cơ chế tuần hoàn tuyệt đối không có nước thải ra môi trường. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Ban quản lý vận hành Nhà máy nước sạch Yên Bình cho biết: "Nhà máy nước sạch Yên Bình sử dụng công nghệ của Nhật, trong quá trình sản xuất được tối ưu hóa tất cả vấn đề về điện năng. Nước thải ra lại được tiếp tục tuần hoàn qua một hệ thống xử lý nữa nên sẽ không có nước thừa ra môi trường".

Theo thống kê, đến nay tỷ lệ người dân ở khu vực thành thị của Thái Nguyên được sử dụng nước sạch đạt gần 100%, khu vực nông thôn tỷ lệ này cũng đạt trên 93%. Từ nay đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 98% tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng hơn 8% so với năm 2017, tương ứng với gần 250 nghìn hộ dân nông thôn. Cùng với đó, việc đảm bảo nguồn tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh cũng sẽ được siết chặt. Ông Lê Văn Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên cho rằng: "Chúng tôi cũng khuyến cáo rằng đẻ bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước thì hơn bao giờ hết toàn thể các cấp chính quyền, đặc biệt là những người dân chúng ta có những ý thức trong việc khai thác sử dụng nước để bảo vệ nguồn tài nguyên nước và kiểm soát được chất lượng nước".

bao ve nguon tai nguyen nuoc quy gia
Đến nay tỷ lệ người dân ở khu vực thành thị của Thái Nguyên được sử dụng nước sạch đạt gần 100%, khu vực nông thôn tỷ lệ này cũng đạt trên 93%.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên khẳng định "Để phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các chương trình quy hoạch về lĩnh vực tài nguyên nước. Đặc biệt quy hoạch về quản lý sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời tỉnh Thái Nguyên cũng đã thực hiện quy hoạch khai thác và sử dụng nước mặt trên địa bàn toàn tỉnh nhằm quản lý tốt nhất về chất lượng nguồn nước cũng như lưu lượng nước để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh".

Cùng với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương cùng với người dân cũng cần chủ động trong việc bảo vệ nguồn nước tự nhiên, chung tay bảo vệ các công trình nước sạch. Có như vậy việc tiếp cận nước sạch hợp vệ sinh mới thực sự bền vững.