Vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo (lần 2) Thông tư hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông, để xin ý kiến của các nhà giáo, những người làm công tác giáo dục.

Theo đánh giá, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh từ lâu gần như “bỏ ngỏ” trong nhà trường. Nếu có chỉ là những dự án nhỏ lẻ, manh mún, chưa chuyên nghiệp. Từ những vụ bạo lực học đường có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, công tác này đòi hỏi phải có một chương trình chính thống được áp dụng trong nhà trường.

Khoảng trống tư vấn học đường

Ths. Bùi Ngọc Diệp, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, theo dư luận, hiện tượng bạo lực trong nhà trường đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân một phần xuất phát từ nhận thức của học sinh. Ví dụ như đối với bạo lực giới, nguyên nhân này rất rõ bởi vẫn còn những định kiến về giới, sự phân biệt, kỳ thị với những em thuộc “giới tính thứ ba”.

bao luc hoc duong gia tang tu van tam ly cho hoc sinh con bo ngo
Công tác tư vấn cho học sinh trong nhà trường vẫn còn bỏ ngỏ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, còn nguyên nhân thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THCS, THPT. Bà Bùi Ngọc Diệp khẳng định, công tác phòng ngừa bạo lực học đường là vô cùng quan trọng. Do đó, trước những thay đổi “thất thường” về tâm sinh lý của các em, việc tư vấn tâm lý, trang bị cho các em kỹ năng sống là rất cần thiết.

“Nếu nói chúng ta chưa có hệ thống để giáo dục các em về bình đẳng giới hay bạo lực thì chưa hẳn là như vậy. Trên thực tế, ở các trường phổ thông đều có những chương trình giáo dục, song chưa đưa vào chương trình chính thức, không thành nội dung riêng mà chỉ mang tính chất dự án, lồng ghép, ngoại khóa hoặc tiết học Giáo dục công dân” – bà Bùi Ngọc Diệp nói.

Theo thầy giáo Lê Việt Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), những tài liệu chính thống được giảng dạy ở nhà trường về tâm lý lứa tuổi, trong đó có bình đẳng giới, phòng chống bạo lực… chưa được đầy đủ. Các trường vẫn làm theo trách nhiệm và cảm nhận của mình.

Những hoạt động tuyên truyền ở trường mới dừng lại ở các lớp học. Hoặc các em bước sang lớp 8 sẽ có những sinh hoạt nhỏ dưới dạng câu lạc bộ. Có thể kết hợp với hội phụ nữ phường, một số trung tâm để có những tư vấn cho các em về vệ sinh, ăn mặc, ứng xử đối với các em gái ở độ tuổi mới lớn; song lại hạn chế đối với các em nam.

Tư vấn tâm lý cho học sinh như thế nào?

bao luc hoc duong gia tang tu van tam ly cho hoc sinh con bo ngo

Thầy giáo Lê Việt Trung

Trong suốt gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Lê Việt Trung cho biết rất tâm đắc với ý tưởng thành lập mô hình câu lạc bộ, hoặc trung tâm tư vấn tâm lý trong nhà trường. Theo đó, phải có cán bộ chuyên trách, cùng với cộng tác viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Giáo viên không nên kiêm nhiệm vì họ không có chuyên môn sâu về giáo dục giới tính và phòng chống bạo lực.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ nhấn mạnh, trong tâm thế của các thầy cô vẫn bị áp lực dạy truyền thụ kiến thức quá nặng nề, mà chưa thực sự chú trọng giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình Giáo dục công nhân cũng chỉ “lấp ló đâu đó” một chút về vấn đề này. Do đó, nên có một bộ tài liệu chính thức để giảng dạy về công tác ứng xử, hình thành nhân cách trong học sinh; cũng như mô hình tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Các nhà giáo cũng khẳng định, để giáo dục trẻ, cha mẹ nên phối hợp chặt chẽ với nhà trường. Phụ huynh cũng phải có những tài liệu hướng dẫn để giáo dục từ xa cho các cháu. Ở trường, ngoài việc “dạy chữ”, cần tăng thêm thời lượng, trách nhiệm, nội dung giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh.

Thầy Lê Việt Trung đánh giá, bạo lực học đường không phải “vô phương cứu chữa” mà cần những “giáo án” linh hoạt để giáo dục, tư vấn cho các em; cung cấp địa chỉ tư vấn ngay trong nhà trường, để các em tìm đến khi gặp những vấn đề cần được tháo gỡ.

Thầy Lê Việt Trung cho rằng: “Hành vi của các em là bộc trực. Do chưa được giáo dục kỹ, nên các em chưa nhận thức được việc làm của mình gây tác hại như thế nào. Ở trường, cần có những tài liệu dạy để giáo viên làm công cụ hướng dẫn hành vi của học sinh. Trẻ em chỉ thiếu hiểu biết nên mới có hành xử manh động, như chúng ta vẫn thấy xuất hiện trong các clip được đưa lên mạng”.

Theo các chuyên gia, việc trang bị kỹ năng sống cho các em là rất cần thiết, từ đó có thể ngăn ngừa các vụ bạo lực trong nhà trường. Nếu các em có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng kiểm soát cảm xúc thì sẽ không đẩy mâu thuẫn lên cao. Hay các em được trang bị kỹ năng thương lượng, thì tất cả mâu thuẫn sẽ được xử lý hài hòa, không dẫn đến bạo lực.

bao luc hoc duong gia tang tu van tam ly cho hoc sinh con bo ngo
Ths. Bùi Ngọc Diệp

Theo bà Bùi Ngọc Diệp, trong nhà trường cần xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn, chia sẻ, gần gũi hơn giữa giáo viên với học sinh, để khi các em gặp hiện tượng căng thẳng hay mâu thuẫn với nhau có thể sẵn sàng chia sẻ với thầy cô, hay tìm đến sự giúp đỡ của người lớn. Như thế, mâu thuẫn sẽ được giải quyết nhẹ nhàng hơn.

“Tôi đồng ý với phương án công tác tư vấn tâm lý phải có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, trong đó nhà trường là chủ đạo. Nhà trường có thể thông báo, liên lạc thường xuyên với gia đình, nhất là cha mẹ các em được dự cảm có nguy cơ hoặc khó kiểm soát được cảm xúc, để dạy dỗ, hướng dẫn các em có cách ứng xử đúng đắn” – bà Bùi Ngọc Diệp chia sẻ./.