bao hiem y te chinh sach tru cot trong he thong an sinh xa hoi
Nhờ có thẻ BHYT hộ gia đình mà ông Đồng Xuân Thuận mua liên tục từ năm 2013 đến nay nên ông có thể duy trì được việc chữa bệnh

Nhà ở xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công, song đã gần nửa năm nay do mắc căn bệnh ung thư máu, nên ông Đồng Xuân Thuận đã phải gắn bó với Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Bệnh hiểm nghèo nên chi phí điều trị rất tốn kém. Trung bình mỗi đợt điều trị của ông Thuận chi phí khoảng trên dưới 30 triệu đồng. May nhờ có tấm thẻ BHYT hộ gia đình mà ông mua liên tục từ năm 2013 đến nay nên ông mới có thể duy trì được việc chữa bệnh. Đặc biệt, với việc ông đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở nên ông sẽ được BHYT cấp giấy miễn cùng chi trả khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ông Đồng Xuân Thuận chia sẻ: "Tham gia BHYT có thể giảm được 8 phần về chi phí đối với tôi, nếu không có BHYT tôi cũng không đủ khả năng để nằm viện điều trị".

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Thái Nguyên, trong 5 tháng đầu năm 2020, đã có trên 120.000 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT hộ gia đình đi khám, chữa bệnh. Trong đó, rất nhiều trường hợp có chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng đã được Quỹ BHYT chi trả từ 80% trở lên.

Bên cạnh lợi ích về việc Quỹ BHYT sẽ đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh, trong những năm qua, quyền lợi của người có thẻ BHYT cũng đã mở rộng rất nhiều khi họ được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Thông tuyến huyện từ năm 2016, cũng được đánh giá là một trong những đột phá của chính sách khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, việc thông tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến huyện trở xuống được tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu gần nhất, nhanh nhất và hưởng quyền lợi ở mức cao nhất. Chị Lê Thị Hạnh, ở thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa cho hay: "Tôi lựa chọn Bệnh viện Đa khoa Định Hóa là vì thông tuyến BHYT, các y, bác sỹ rất tận tâm, nhiệt tình và tôi đã từng điều trị tại bệnh viện này hai lần".

Song hành với việc mở rộng quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong thời gian qua, các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn cũng đặc biệt chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cơ sở vật chất ở nơi đăng ký, phòng khám, buồng bệnh được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, cùng với đó là tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng thân thiện, gần gũi, tận tình. PGS -TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Sự phối hợp giữa BHYT và các cơ sở y tế rất chặt chẽ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người có BHYT, thu hẹp khoảng cách giữa dịch vụ của người khám, chữa bệnh theo yêu cầu và người khám, chữa bệnh hưởng BHYT. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã triển khai nhiều cơ sở khám, chữa bệnh cho người có BHYT mà dịch vụ ngang tầm với dịch vụ khám, chữa bệnh cho người không có BHYT".

bao hiem y te chinh sach tru cot trong he thong an sinh xa hoi
Cán bộ BHXH tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân đăng ký mua thẻ BHYT

Thái Nguyên hiện đang là một trong số các địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Năm 2020, Ngành BHXH tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ 98,5% dân số tham gia BHYT. Qua 6 tháng đầu năm 2020, mục tiêu này đã gần hoàn thành khi đạt tỷ lệ 98,3%. Tuy nhiên, Ngành BHXH cũng không chủ quan mà sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hướng đến các nhóm đối tượng tiềm năng. Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm: "Chúng tôi phân chia ra từng nhóm đối tượng để phối hợp với chính quyền, phường, xã, tổ dân phố, để mời những đối tượng đó tham gia hội nghị tuyên truyền mức đóng, lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT để họ nhận thức được và tham gia BHYT".

Chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Với việc cơ bản người dân đã tham gia BHYT, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, làm tốt công tác giám định BHYT, kiểm soát việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT./.