Bảo hiểm Y tế “bỏ rơi” bệnh nhân

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2017 toàn cầu còn hơn 70 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính. Tỷ lệ tử vong mỗi năm vì biến chứng xơ gan, ung thư gan khoảng 400.000 ca. Tại Việt Nam, ước tính đến năm 2016 có khoảng 1 triệu người bị nhiễm siêu vi C mạn, mỗi năm có khoảng 6.000 ca tử vong liên quan đến siêu vi C.

bao hiem y te bo roi benh nhan viem gan c

Đơn thuốc với số tiền lên tới hơn 14,6 triệu đồng cho 1 liệu trình điều trị vì không được bảo hiểm chi trả

Bên cạnh những kế hoạch hành động phòng chống bệnh viêm gan vi rút, Bộ Y tế cùng các địa phương đã có nhiều chương trình truyền thông với khẩu hiệu “yêu lá gan của bạn” đã góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là những khu vực vùng sâu vùng xa nhằm kéo giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, tử vong vì viêm gan.

Trước đây, việc điêu trị viêm gan siêu vi C rất tốn kém (hơn 100 triệu đồng cho liệu trình điều trị khoảng 48 tuần) thời gian điều trị kéo dài ít nhất 12 tháng, song thuốc có nhiều tác dụng phụ khiến người bệnh thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng sống và công việc. Dù hiệu quả điều trị bệnh đạt khoảng 80% nhưng vì tác dụng phụ, chi phí cao nên số người bệnh tiếp cận rất hạn chế.

Từ năm 2013 đến nay, thế giới xuất hiện nhóm thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp, hiệu quả điều trị bệnh đạt trên 90% những người điều trị đáp ứng vi rút bền vững sau điều trị 12 tuần - tương đương khỏi bệnh (vi rút siêu vi C dưới ngưỡng phát hiện). Mặt khác, nhóm thuốc mới là dạng uống trong quá trình điều trị, người bệnh ít bị tác dụng phụ. Hiện, một liệu trình điều trị ở mức giá khoảng hơn 40 triệu đồng (cho 12 tuần).

Tuy nhiên, khoản tiền trên so với thu nhập trung bình của người dân còn cao nên số người tiếp cận được với phương pháp điều trị mới chưa nhiều. Mặt khác, người bệnh đang gặp rào cản rất lớn bởi chi phí điều trị nhóm thuốc thế hệ mới chưa được Bảo hiểm Y tế thanh toán.

Ông Nguyễn Văn L. (65 tuổi, ngụ tại huyện Cần Giờ, TPHCM) chia sẻ: “Tôi đã kết thúc quá trình điều trị, đến nay xét nghiệm lại không còn phát hiện vi rút. Mặc dù tôi có bảo hiểm y tế nhưng tiền thuốc điều trị không được bảo hiểm thanh toán, nếu không có sự giúp đỡ của con, tôi không lo nổi khoản tiền quá lớn cho điều trị”.

Khó khăn hơn là trường hợp của anh Bùi Th. (37 tuổi, ngụ tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Vợ chồng làm mướn cũng chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt và cho 2 con ăn học nhưng bệnh viêm gan C mạn tính của anh đã biến chứng sang giai đoạn xơ gan. Dù có bảo hiểm y tế nhưng không được thanh toán nên anh phải mượn tiền vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM khám, lấy thuốc. Sau khi thanh toán chi phí mua toa điều trị 28 ngày lên tới hơn 14,6 triệu đồng, anh run run lo ngại không đủ khả năng cho đợt điều trị tiếp theo.

Cần chi trả hợp lý cho bệnh nhân có bảo hiểm

Từ năm 2013 với phác đồ điều trị cũ, chi phí điều trị rất cao nhưng Bảo hiểm Y tế đã chấp nhận chi trả cho người bệnh theo từng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm và hạn mức thanh toán với người bệnh khám chữa bệnh đúng tuyến, trái tuyến, quyền lợi bảo hiểm tối thiểu khoảng 1/4 tổng mức chi tiền thuốc.

Đến ngày 20/9/2016 khi phác đồ điều trị quốc gia cho bệnh viêm gan siêu vi C được ban hành thì viêc điều trị theo loại thuốc cũ chỉ là phương pháp thay thế. Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng thuốc dạng uống thế hệ mới là thuốc được lựa chọn hàng đầu cho người bệnh. Nhưng sau 1 năm áp dụng phác đồ mới, Bảo hiểm Y tế đến nay vẫn chưa thanh toán chi phí thuốc điều trị cho người bệnh.

bao hiem y te bo roi benh nhan viem gan c

Nhiều bệnh nhân viêm gan C đang đối mặt với khó khăn rất lớn bởi "có Bảo hiểm Y tế cũng như không có"

BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho hay: “Một trong những lý do được nêu lên là thuốc thế hệ mới dùng trong điều trị viêm gan siêu vi C chưa đưa vào danh mục Bảo hiểm Y tế. Thuốc đã được nhập về sử dụng, phác đồ điều trị quốc gia đã ban hành với khuyến cáo sử dụng nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay Bảo hiểm Y tế vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc có đưa thuốc vào danh mục không, nếu đưa vào thì chi trả cho người bệnh ra sao?”

Đồng quan điểm trên, GS Phạm Hoàng Phiệt, Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam cho rằng: Phác đồ điều trị quốc gia đã chỉ định thuốc thế hệ mới từ 1 năm qua thì không có lý do gì để Bảo hiểm Y tế né tránh các phương án đưa thuốc điều trị vào danh mục thanh toán cho người bệnh. Đây là điều bất hợp lý cần sớm khắc phục để bảo đảm quyền lợi của người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế.

Cần phải thấy được lợi ích khi việc điều trị bằng thuốc thế hệ mới giúp khỏi bệnh trên 90%, nếu có Bảo hiểm Y tế hỗ trợ thì rất đỡ gánh nặng cho bệnh nhân và xã hội. Mặt khác, mục tiêu rất lớn đặt ra trong điều trị là việc dự phòng cho cộng đồng (điều trị để dự phòng). Siêu vi viêm gan C hiện chưa có vắc xin chủng ngừa, nếu điều trị thành công cho những người mang bệnh thì trong cộng đồng sẽ giảm được nguồn lây, tiến tới kiểm soát được bệnh.

BS Mạnh Hùng còn chỉ ra lợi ích rất lớn khác: “Việc điều trị tốt sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan. Điều này cũng trực tiếp giúp Quỹ bảo hiểm Y tế tránh được nguy cơ bội chi vì sẽ giảm được nguồn chi trả trong quá trình điều trị cho bệnh nhân xơ gan, ung thư gan với chi phí rất cao. Đây là bài toán kinh tế y tế cần có sự tính toán hợp lý của các Bộ - Ngành liên quan để mang lợi lợi ích thiết thực cho đất nước và quyền lợi chính đáng cho người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế”.