Mỗi khi mưa to, Hà Nội lại ngập. ( Ảnh: Phạm Hải)


Ngày 20/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1930 phê duyệt Định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Định hướng năm 2009), định hướng cho sự phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên toàn quốc.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước với mục tiêu mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đến năm 2015 lên 70-80%. Hệ thống thoát nước được quản lý vận hành duy tu bảo dưỡng thường xuyên, đến năm 2020 sẽ xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị lớn, nâng tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trên 60% trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Sau 5 năm thực hiện Định hướng năm 2009, lĩnh vực thoát nước đô thị và khu công nghiệp đã đạt được những thành quả nhất định. Hệ thống thoát nước tại các đô thị dần được đầu tư xây dựng mới, cải tạo và hoàn thiện hệ thống cũ, nâng cao năng lực và hiệu quả thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các đô thị. Các khu công nghiệp cũng đã được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải riêng biệt, từng bước hoàn thiện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Định hướng năm 2009, yêu cầu đến năm 2015, xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên. Tuy nhiên, do kinh tế trong nước khó khăn nên việc thực hiện các chính sách về môi trường, trong đó có thoát nước và xử lý nước thải đô thị và khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng úng ngập thường xuyên ở các đô thị không giảm mà còn có xu thế tăng lên.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2015, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 23 điểm úng ngập trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn 12 quận và huyện Thanh Trì.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu của Trung tâm Điều hành chương trình chống úng ngập, tháng 7/2015, mặc dù đã giải quyết xóa ngập được 47 điểm, nhưng tái ngập lại 33 điểm, ngập mới phát sinh 29 điểm, nâng tổng số ngập lên 62 điểm.

Tại Biên Hòa, theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Nai, hiện trên toàn thành phố Biên Hòa có 23 điểm thường xuyên ngập khi mưa lớn. Ngoài các con đường lớn bị ngập, gây ắc tách giao thông, một số khu vực dân cư, khu vực sản xuất cũng bị ngập sâu trong nước.

Tình hình úng ngập không chỉ có ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, mà còn ở nhiều đô thị lớn như: Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Để hệ thống thoát nước ổn định, bền vững và mang tính đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, chống ngập úng đô thị, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thì cần rất nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Tuy nhiên, giải pháp cần thực hiện ngay là phải rà soát các quy hoạch chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải của các đô thị trực thuộc Trung ương, xem xét các yếu tố liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ thống thoát nước.

Đối với các quy hoạch đã được phê duyệt nhưng chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu hoặc chưa phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu đã được phê duyệt thì cần điều chỉnh, bổ sung.

Lập và quản lý bản đồ ngập úng theo chu kỳ hàng năm cho các đô thị, bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét… tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực duyên hải và miền núi.

Xác định vai trò và vị trí của hồ điều hòa trong việc ưu tiên thoát nước mưa, giảm ngập úng đô thị. Rà soát quy hoạch, kế hoạch và công tác quản lý các hồ điều hoà trong hệ thống thoát nước đô thị; nâng cao năng lực thoát nước của các hồ điều hòa và các ao hồ tự nhiên tại các khu đô thị, tối ưu hóa và đồng bộ với các chức năng sinh thái, cảnh quan, xã hội.

Tận dụng tối đa các hồ tự nhiên sẵn có, khảo sát hiện trạng, chế độ thuỷ lực, chế độ thuỷ văn của hồ làm cơ sở đề xuất giải pháp tối ưu tận dụng khả năng điều tiết của hệ thống hồ và hồ chứa.

Điều chỉnh hoặc lập mới các kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, xác định nhu cầu đầu tư, các dự án ưu tiên đầu tư và các nhiệm vụ theo các giai đoạn của quy hoạch hoặc kế hoạch của từng địa phương.

Tăng cường kiểm soát công tác quy hoạch, rà soát các quy hoạch chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải để đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành có liên quan khác đã được phê duyệt.

Những giải pháp nêu trên chỉ thực hiện được khi bố trí đủ nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần xem xét, huy động thêm nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN