Tại Hà Nội, “cuộc chiến dê vàng” năm nay càng khốc liệt khi có tới khoảng 100.000 học sinh thi vào lớp 10, tăng khoảng 24.000 em so với năm ngoái. Điều này khiến tỷ lệ “chọi” vào trường công tăng cao. Còn trường ngoài công lập cũng tìm mọi cách “lách luật” để có học sinh như: tuyển sinh sớm, hoặc buộc phụ huynh phải nộp phí giữ chỗ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Rồi đến khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn lại dẫn đến tình trạng hỗn loạn rút/nộp hồ sơ. Một số trường dân lập còn làm khó phụ huynh trong việc rút hồ sơ và tiền phí giữ chỗ, khiến cho nhiều phụ huynh bức xúc.

bai toan giam ap luc vao lop 10
Cuộc thi vào lớp 10 ở Hà Nội áp lực với cả thí sinh và phụ huynh.

Thực tế lâu nay, nhiều phụ huynh e ngại khi cho con vào học trường tư là do học phí cao gấp nhiều lần so với trường công, hơn nữa chỉ có một số ít trường có chất lượng tốt.

Chị Nguyễn Thu Hương, một phụ huynh có con vào lớp 10 (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Con tôi có mức học trung bình nên không thể chen chân vào học trường công được. Thế nhưng học dân lập phải đóng học phí từ vài triệu đến cả chục triệu thì lương cán bộ công chức như vợ chồng tôi không thể đóng được. Giờ vợ chồng tôi không biết phải làm sao?! Nhà nước phải tạo điều kiện đủ chỗ cho các con học. Học phí cũng như chất lượng giữa trường công và trường tư quá chênh lệch khiến các cháu phải chiến đấu khốc liệt hơn cả thi đại học”.

Về bất cập này, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ ra, có khoảng trên 60% học sinh được vào trường công lập, sự chênh lệch giữa cung - cầu ­lớn như vậy khiến kỳ thi này năm nào cũng căng thẳng. Điều này không chỉ khiến cho học sinh, phụ huynh mà ngay cả các trường cũng khốn đốn trong tuyển sinh.

Để giải quyết căn bản bài toán này, cần có sự công bằng trong giáo dục, không phân biệt giữa trường công và trường tư, coi trường ngoài công lập cũng là một phần quan trọng cần được quan tâm đầu tư, chứ không phải tất cả chỉ dồn hết đầu tư cho trường công lập. Điều này sẽ ngày càng khiến cho khoảng cách giữa trường công lập và ngoài công lập càng xa.

Cần được “đối xử” bình đẳng

Theo TS. Lê Trường Tùng, thành viên của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, một trong những giải pháp then chốt để giảm áp lực trường công là giảm sự phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư.

Trường công hay trường tư phải được đối xử như nhau, cạnh tranh bình đẳng. Nhà nước nên hỗ trợ học phí theo đầu học sinh, để tạo điều kiện cho học sinh dù học ở trường công hay tư đều được nhà nước hỗ trợ để giảm một phần học phí. Ai cũng phải đóng thuế như nhau nhưng tại sao học sinh vào trường công mới được hỗ trợ còn trường tư thì không?!

Nếu Nhà nước hỗ trợ theo đầu học sinh thì các trường tư nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng để thu hút học sinh, để có nguồn kinh phí phát triển nâng cao chất lượng hơn nữa. Đặc biệt, điều này tạo sự cạnh tranh công bằng, giúp cho chất lượng giữa khối công lập và ngoài công lập không bị chênh lệch nhiều. Như vậy, phụ huynh không còn phải đau đầu lo chất lượng cũng như học phí khi con vào trường tư và từ đó, trường công sẽ giảm được áp lực đáng kể.

Một số chuyên gia giáo dục còn cho rằng, ngay từ THCS phải tổ chức phân luồng tốt sang hệ thống trung cấp, học nghề. Đồng thời, phải thay đổi nhận thức của phụ huynh hướng cho con em mình có thể đi theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT bằng mọi giá như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hệ thống trung cấp học nghề vẫn èo uột không thu hút được người học.

Vì vậy, để thay đổi được quan niệm này thì các trường nghề cũng phải thay đổi theo hướng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường như thế nào. Đây mới là yếu tố quyết định để các trường nghề thu hút được học sinh vào học, đồng thời cũng giúp giảm áp lực vào lớp 10./.