Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, VN đề ra bốn ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.

Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại VN. Trước hết, đó là tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong đó, Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều bên và song phương… cùng phát triển và bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc khu vực bền vững, toàn diện. Tầm nhìn chiến lược đó xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ là thế kỷ XXI cần được định hình bởi tư duy bình đẳng, cùng có lợi và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chứ không phải lối nhìn theo kiểu "kẻ được, người mất", nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tất cả các nước khu vực, dù có hay không là thành viên APEC, đều chia sẻ lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI.

apec 2017 tam nhin chien luoc cua doi ngoai vn

Thứ hai, các hoạt động của APEC năm nay phải tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và nâng liên kết kinh tế khu vực lên một tầm cao mới, khẳng định là Diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp. APEC cần có thêm xung lực cho tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm về kinh tế - tài chính - xã hội, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác trong các vấn đề kinh tế - thương mại thế hệ mới…. Đồng thời, nhu cầu cấp bách nữa là đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bô-go, duy trì đà liên kết khu vực trong các khuôn khổ như Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Thứ ba, năm 2017 còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối liên kết kinh tế, qua đó thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao, bảo đảm tính bổ trợ, hài hòa của các cơ chế đa tầng nấc. Đại diện 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, APEC cũng cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, xử lý các thách thức chung như tác động trái chiều của toàn cầu hóa và công nghệ số, bất bình đẳng gia tăng ….

Thứ tư, sau 28 năm hình thành và phát triển, đây còn là thời điểm quan trọng để định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020. Tầm nhìn đó cần xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10 – 15 năm tới. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của Diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt của APEC trong tiến trình định hình cấu trúc cũng như quản trị khu vực và toàn cầu cần được định rõ.

Với ý nghĩa đó, Năm APEC 2017 hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho Diễn đàn. Đây cũng là cơ hội lớn để VN góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực. APEC 2017 một lần nữa khẳng định đối ngoại đa phương là chỗ dựa quan trọng của các quốc gia, lớn cũng như nhỏ, để thúc đẩy lợi ích và đề cao vị thế trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng.