an tuong ngoai thuong

Đột phá từ chính sách

Báo cáo tại buổi giao ban Bộ Công thương diễn ra vào giữa tháng 12 vừa qua, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đã “thở phào” khi ngành công thương đã “về đích” ở tất cả các mục tiêu đề ra trong năm 2017. Trong đó, xuất khẩu (XK) là một trong những điểm sáng khi kim ngạch cả năm dự kiến đạt hơn 212 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với năm 2016 (hơn 176 tỷ USD) và cao nhất từ trước đến nay; kim ngạch nhập khẩu (NK) tăng xấp xỉ 21%, trong đó phần lớn là NK hàng hóa phục vụ sản xuất; xuất siêu khoảng hơn hai tỷ USD.

Nói là “thở phào” bởi lẽ, kết quả này không tự nhiên có mà xuất phát từ tổng hòa nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Theo phân tích của Bộ Công thương, về mặt thị trường XK trong năm 2017, tổng thể thương mại toàn cầu có sự cải thiện, khi nhu cầu thị trường tăng lên. Trong đó, một số mặt hàng XK của Việt Nam còn có cơ hội thúc đẩy XK nhờ vào tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu khiến nguồn cung tại một số nước giảm, qua đó gia tăng nhu cầu NK, điển hình như với mặt hàng gạo.

goài tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy XK sang các thị trường truyền thống, năm qua, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng được mở rộng XK tới các thị trường mới…

Tuy nhiên, bước đột phá ngoạn mục đó có được phải nhờ “lực đẩy” từ cải cách hành chính. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN), chưa bao giờ cụm từ “đồng hành với doanh nghiệp” lại được nhắc đến nhiều như năm 2017. Đặc biệt, các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực Công thương đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực cho DN.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2016, khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, DN dệt may rất phấn khởi. Việc bãi bỏ này đã giúp DN tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 – 3,8 ngày, tạo điều kiện rất lớn trong việc gia tăng kim ngạch XK dệt may và giúp dệt may giữ vững vị trí là một trong những mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất.

Hoặc với ngành hàng gạo, dù còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm nhưng các bộ, ngành, DN đã cùng nỗ lực để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Bangladesh được ký vào cuối tháng 5/2017 và có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (2017 – 2022) là một trong những động lực quan trọng cho hoạt động XK. Theo đó, mỗi năm, tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh một triệu tấn gạo. Cùng với việc các hợp đồng tập trung được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, biên bản này đã giúp DN gạo có thêm nhiều hợp đồng thương mại, để ngành hàng gạo bứt phá và đạt mức tăng trưởng cao hơn 24% trong năm nay, với con số tuyệt đối lên đến 5,9 - 6 triệu tấn, tăng 1,1 - 1,2 triệu tấn so với năm 2016.

Cơ hội nào cho năm 2018?

Cơ hội cho tăng trưởng XK trong năm 2018 và những năm tiếp theo là tương đối sáng, bởi năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. WEF ghi nhận Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động.

Đồng thời, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. Trong giai đoạn 2018 – 2022, lộ trình thuế quan cắt giảm sâu hơn và tiến tới về 0% đối với nhiều mặt hàng, sẽ tạo cơ hội mới để nâng cao kim ngạch XK, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng phát triển của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nhất là sau Hội nghị cao cấp APEC và trong bối cảnh an ninh tại nhiều nước bất ổn do tình trạng khủng bố.

Tận dụng các cơ hội thị trường, hướng đến mục tiêu xuất nhập khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải cho hay, bên cạnh việc tiếp tục phổ biến, hướng dẫn thực hiện các FTA đã ký kết, đồng thời thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA chưa được ký kết như FTA Việt Nam – EU, công tác xúc tiến thương mại sẽ được Bộ Công thương đổi mới theo hướng không dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước, mà khuyến khích các tổ chức xúc tiến thương mại bên ngoài cùng tham gia. Đồng thời tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại khác như tự vệ, chống bán phá giá, trợ cấp cũng phải tăng cường để bảo vệ hàng hóa trong nước, kiềm chế NK sao cho phù hợp với bối cảnh nước ta cũng như các cam kết quốc tế. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ DN vượt qua hàng rào kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước sở tại là hoạt động quan trọng để kim ngạch XK của ta tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Năm 2018, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%. Trong đó, tổng kim ngạch XK tăng 7% - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%.