Ai một lần ghé thăm vườn dâu tây Chimi tại khu du lịch Quốc Gia Mộc Châu, hẳn sẽ bị gây ấn tượng mạnh bởi không gian rộng và xanh mát đầy sức sống của những vườn dâu tây ở đây.

Trên diện tích 4 hecta, nằm xinh xắn và thơ mộng bên rừng thông xanh mát tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, những luống dâu tây được trồng và chăm sóc tỉ mỉ. Ít ai biết rằng, ông chủ của vườn dâu tây này là 1 doanh nhân trẻ, sinh năm 1990 và tốt nghiệp đại học một chuyên ngành không hề liên quan đến nông nghiệp.

"Em nghĩ chủ vườn phải dành rất nhiều công sức và tâm huyết, học tập cũng như là phương pháp trồng để có thể cho ra những loại dâu to và ngọt như này", chị Đặng Thu Thảo (ở tỉnh Thái Bình), khách tham quan vườn dâu tây cho biết.

9x khoi nghiep thu tien ty tu dau tay
Vườn dâu tây Chimi (Ảnh minh họa: KT)

Còn chị Võ Thị Hồng Nga (ở Hà Nội) chia sẻ: "Khi đến đây, không chỉ thấy cảm phục mà còn ngưỡng mộ. Thời đại 4.0 bây giờ các bạn ấy có điều kiện và giỏi hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều, dám nghĩ dám làm".

Năm 1990, chàng trai trẻ Vũ Văn Lực được sinh ra trong 1 gia đình làm nông nghiệp ở quê hương Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân năm 2013, song không vội đi làm ngay, Lực xách ba lô vào Đà Lạt chơi với gia đình người anh họ. Quyết tâm khởi nghiệp từ dâu tây cũng bắt nguồn từ đây. Chuyến đi chơi của chàng sinh viên mới ra trường đã mang về những kinh nghiệm trồng, chăm sóc dâu tây từ người dân Đà Lạt.

Năm 2015, qua nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, Mộc Châu được lựa chọn là điểm đến của chàng trai trẻ cùng các cộng sự trong nhóm. Anh Vũ Văn Lực, chủ trang trại dâu tây Chimi cho biết, trồng dâu tây không khó, mà chủ yếu là do điều kiện thời tiết.

“Dâu tây hợp với khí hậu lạnh và khô, nên hợp với khí hậu ở khu vực Tây Bắc. Ban đầu khi cây phát triển về thân lá, thì mình tăng đạm lên. Còn khi cây ra hoa thì điều chỉnh tăng lân, khi ra quả thì hàm lượng Kali cao hơn 1 chút, cân đối thành phần đa lượng", anh Lực nói.

Vụ dâu tây đầu tiên, lợi nhuận thu về chỉ đủ để Lực và nhóm cộng sự trả chi phí đầu tư. Song đến vụ dâu thứ 2, vườn dâu tây Chimi đã mang về doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Đến hết vụ dâu tây năm 2017, doanh thu đã cán mốc trên 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, Trang trại dâu tây sạch Chimi còn giải quyết việc làm cho khoảng 40 nhân công là lao động địa phương với đồng lương ổn định.

“Tôi mong muốn được cùng bà con phát triển cây dâu tây thành cây trồng vụ đông đem lại thu nhập cho những tháng không hiệu quả để trồng cây khác", anh Lực chia sẻ.

Vườn dâu tây Chimi ở rừng thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu giờ đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách du lịch. Từ 2.000 m2 đất ban đầu, đến nay, diện tích trang trại dâu tây Chimi đã là 4 hecta. Ông chủ trẻ và các cộng sự dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích này thêm nữa./.