Liên quan đến vụ 7 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đuổi học, trong đó có 3 em bị đuổi học 1 năm do có hành vi xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội đang gây xôn xao trong dư luận, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa vừa chính thức lên tiếng về việc này.

Trao đổi với phóng viên trưa 1/11, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi thông tin báo chí phản ánh, sáng 1/11 Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xuống tận trường kiểm tra, làm rõ vụ việc. Qua xác minh ban đầu xác định Trường THPT Nguyễn Trãi đã ra các quyết định kỷ luật học sinh quá nặng, nóng vội nên phải xem xét lại.

7 hoc sinh bi duoi hoc o thanh hoa se duoc di hoc tro lai vao 211
Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa (ảnh: VnExpress)

Theo bà Phạm Thị Hằng, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu nhà trường thu hồi tất cả các quyết định kỷ luật 8 học sinh, đặc biệt quyết định đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh. Đồng thời, yêu cầu nhà trường phải thông báo ngay cho các học sinh bị kỷ luật đuổi học trở lại từ ngày 2/11.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu trường rà soát lại toàn bộ quy trình kỷ luật, sau đó xem xét lại mức độ vi phạm của học sinh để có hình thức kỷ luật phù hợp; báo cáo giải trình về vụ việc, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể. Sở yêu cầu như vậy vì các quyết định kỷ luật học sinh như đuổi học 1 năm với 3 học sinh là quá nặng, chưa đến mức độ như vậy. Việc làm của nhà trường nhà trường như vậy là quá nóng vội.

Nhiệm vụ của nhà trường là giúp các em nhận biết hành vi sai trái?

Xung quanh vụ việc này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc đuổi học sinh 7 học sinh là hình thức kỷ luật khắt khe của nhà trường không nên áp dụng như vậy. Mặc dù hành vi của các em đã sai nhưng không quá lớn vì các em trao đổi với nhau qua nhóm kín chứ không phải là đưa công khai rộng rãi trên mạng xã hội.

Theo ông Tùng Lâm, nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục các em, giúp các em nhận biết hành vi sai phạm để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Nếu có kỷ luật thì cũng chỉ là cho nghỉ học vài ba ngày, chứ không phải là đưa ra hình thức đuổi học với thời gian dài như vậy. Các thầy cô giáo phải nhận biết là hệ lụy của việc đuổi học trong thời gian dài, nếu không quản lý chặt chẽ thì các em có thể sa ngã, bị bạn bè xấu lôi kéo thì rất nguy hiểm.

Trước đó, trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vừa quyết định buộc thôi học một năm đối với ba học sinh lớp 10A5 do vi phạm đạo đức. Bốn em nam khác bị đuổi học một tuần, một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.

Hiệu trưởng Bùi Nguyên Tiến cho biết, những em này đã "dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường".

Theo lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi, ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10A5 sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích.

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, do điện thoại của nữ sinh không bị khóa nên cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”.

Kiểm tra, cô giáo đọc được các cuộc trò chuyện nói xấu thầy cô, nhà trường, sự việc kéo dài nhiều ngày trước khi được phát hiện. Ban giám hiệu nhà trường sau đó mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình.

Căn cứ mức độ vi phạm, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp, đưa ra các mức phạt trên. Theo thầy Bùi Nguyên Tiến, khi sự việc vỡ lở, nhóm học sinh không ăn năn. "Nhà trường rất đau lòng khi phải kỷ luật các em. Tuy nhiên đây là hình thức nghiêm nhằm răn đe, giáo dục học sinh khác”, thầy Tiến nói.

THPT Nguyễn Trãi là trường công lập, hiện có hơn 1.100 học sinh./.