Năm 2017, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 31 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 39% kế hoạch xuất khẩu của cả năm.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, ngành dệt may đang phải đối diện thường xuyên với nạn hàng nhái, hàng giả ngày càng tăng.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhãn hiệu của các đơn vị thành viên Tập đoàn bị làm giả rất nhiều trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm của May 10, Việt Tiến, Đức Giang.

50 san pham cua may viet tien tren thi truong la hang nhai
Các sản phẩm của ngành dệt may phải xây dựng được thương hiệu của mình và phải có sự ủng hộ của người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)

Trong đó, sản phẩm của may Việt Tiến bị làm giả nhiều nhất, 50% sản phẩm Việt Tiến trên thị trường là hàng nhái. Chính vì vậy, để đứng vững trên thị trường, các sản phẩm của ngành dệt may phải xây dựng được thương hiệu của mình và phải có sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Do đó, theo ông Trường, việc tiếp tục nâng cấp ngành dệt may Việt Nam lên một bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành dệt may thế giới, chính là việc xây dựng các thương hiệu của mình và có sở hữu trí tuệ một cách phù hợp pháp luật không những ở trong nước mà cả trên thị trường quốc tế.

“Để xây dựng được tài sản vô hình từ các thương hiệu cần quá trình rất dài, phải được bắt đầu từ thị trường trong nước, được sự ủng hộ của người Việt Nam với các thương hiệu của Việt Nam. Từ đó, thương hiệu Việt Nam mới có cơ hội để có thể lan tỏa phát triển ra khu vực và hướng tới các thị trường lớn trên thế giới”, ông Trường cho biết./.