Hơn 10 tham luận của đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Thái Nguyên và Trường Chính trị trình bày tại Hội thảo đã nêu bật được nội dung cũng như giá trị lịch sử quan trọng của Di chúc Hồ Chí Minh, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, các đại biểu tập trung đề cập vào 3 vấn đề lớn trong công tác xây dựng Đảng.

Đó là tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Phát huy vai trò dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc; và nguyên tắc cốt lõi trong Xây dựng Đảng là rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và sự thoái hóa trong Đảng. Bên cạnh đó các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung được đề cập trong Di chúc như: công tác chăm lo đời sống nhân dân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; chăm lo, bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ; xây dựng văn hóa công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với nhiều cách tiếp cận, thể hiện khác nhau, có liên hệ với thực công tác xây dựng, chính đốn Đảng ở cơ sở, các tham luận đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc giá trị to lớn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giúp mỗi cán bộ, giảng viên trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác và cuộc sống.

Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thông qua Hội thảo khoa học không chỉ góp phần khẳng định giá trị quan trọng của di chúc mà còn tạo cơ sở, động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tích cực thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.