Sáng nay (17/7), tại thành phố Pleiku, Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị.

Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 7,83%, giá trị tổng sản phẩm đạt gần 62.000 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng, công tác thu hút đầu tư của các tỉnh trong khu vực có chuyển biến rất tích cực. Các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 25 dự án của 24 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng số vốn gần 86.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD).

4 ty usd dau tu vao khu vuc tay nguyen
Thu hút đầu tư của các tỉnh khu vực Tây Nguyên có chuyển biến rất tích cực. (Ảnh minh họa: KT)

Cùng với phát triển kinh tế, 5 tỉnh chú trọng tới công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chương trình 135, định canh, định cư.

Ban chỉ đạo Tây Nguyên nhận định, tuy đạt một số kết quả quan trọng, song kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Môi trường kinh doanh tuy có cải thiện nhưng còn nhiều bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn. Quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu.

Các tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, khó khăn trong giải quyết đầu ra và chưa kiểm soát được tình trạng phát triển tự phát, ồ ạt một số cây trồng chủ lực, điển hình là hồ tiêu.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng của khu vực hiệu quả chưa cao, tình hình vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng còn diễn ra phức tạp. Vấn đề đất đai tiếp tục bộc lộ nhiều khó khăn, nhất là bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và bố trí đất đai cho các dự án ổn định dân di cư./.