Ngày 9/7, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson từ chức chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, David Davis, rời bỏ vị trí của ông giữa lúc London lâm vào khủng hoảng chính trị vì tranh cãi sục sôi liên quan đến chiến lược đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

3 kich ban cho nuoc anh trong boi canh khung hoang chinh tri vi brexit
Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, David Davis. (Ảnh: Reuters)

“Ông ấy đã đợi rất lâu đến khi cảm thấy đã là lúc thích hợp để ‘đâm một nhát dao’ vào Thủ tướng [Theresa May – ND]. Đảng Tory [Đảng Bảo thủ Anh – ND] rất giỏi tạo ra những cuộc ‘đảo chính’ nội bộ” – ông Alex Gordon, cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động ngành Đường sắt, Đường thủy và Đường bộ quốc gia Anh nhận định.

Theo ông, chính trường Anh giờ như một “vở bi kịch” của đại văn hào Shakespeare mà ở đó khán giả đang chờ xem rút cuộc ai mới là lãnh đạo thực sự của Đảng Bảo thủ.

Cuộc “nổi dậy” trong Đảng Bảo thủ

Trước cuộc khủng hoảng này, vị thế chính trị của Thủ tướng Anh Theresa May đã yếu đi rất nhiều khi bà để mất thế đa số sau cuộc bầu cử trước thời hạn mà chính bà khởi xướng năm ngoái. Kể từ đó, bà May đã không còn tiếng nói mạnh mẽ trong Đảng Bảo thủ.

Nhưng giờ đây, sau khi 2 Bộ trưởng quan trọng trong Nội các từ chức, có thể thấy rõ bà May đang phải đối mặt với cuộc “nổi dậy” của những nghị sỹ Đảng Bảo thủ ủng hộ “Brexit cứng”.

Ngày 9/7, Ngoại trưởng Boris Johnson cũng đã lên tiếng chỉ trích cách tiếp cận hiện nay của Anh đối với đàm phán Brexit với EU. Ông cho rằng “giấc mơ” Brexit đang “chết dần chết mòn” vì bị bóp nghẹt bởi sự tự nghi ngờ không cần thiết. Theo ông, đề xuất Brexit hiện nay sẽ biến nước Anh thành “thuộc địa” của EU và phải hoạt động theo luật thương mại của EU.

“Bây giờ, dường như là ngay từ đầu tiến trình đàm phán chúng ta đã chấp nhận việc chúng ta thực sự không thể tự ra luật cho chính mình” – ông Johnson nói.

Tương tự, ông Davis cũng lấy chính sách của bà May về Brexit ra làm lý do từ chức.

“Theo quan điểm của tôi, hậu quả không thể tránh khỏi của những chính sách vừa được đề xuất sẽ khiến sự kiểm soát của Quốc hội chỉ là ảo ảnh thay vì thực chất” – ông Davis viết trong lá thư từ chức của mình.

“Bà ấy có thể đạt được sự nhất trí với EU nhưng lại để mất thế đa số và thậm chí là cả chức vụ của mình” – chuyên gia về quan hệ quốc tế đang dạy tại trường Đại học Tel Aviv, ông Emmanuel Navon nhận định.

Một người có tham vọng chính trị mãnh liệt như ông Boris Johnson sẽ không dừng lại ở những lời chỉ trích đó. Cựu Thị trưởng London này có thể trở thành đối thủ tiếp theo của bà May trên chính trường.

“Rất có khả năng ông Johnson sẽ trở thành lãnh đạo Tory tiếp theo” – ông Alex Gordon nhận định.

Ông Boris Johnson được cho là đã dành khá nhiều thời gian củng cố đội ngũ ủng hộ ông trong số những người ngồi ở “hàng ghế phía sau” của đảng Tory.

“Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng có nhiều cơ hội cho ông Johnson trở thành Thủ tướng” – ông Gordon nhận định. “Ông ấy không thể huy động sự ủng hộ của cả nước trong một cuộc tổng tuyển cử”.

Ông Gordon nhận định, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson “cực kỳ thông minh và dí dỏm nhưng cũng cực hữu đến mức có thể sẽ lột mất tấm mặt nạ mà Đảng Bảo thủ dày công tô vẽ cẩn thận suốt 10 – 15 năm qua nhờ những lãnh đạo trước đó vẫn tìm cách đặt đảng này vào vị thế là một đảng tự do xã hội để giành được phiếu của cử tri trung lập”.

Tổng tuyển cử sớm?

Việc 2 nhân vật chủ chốt Nội các Anh từ chức có thể khiến chính phủ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm, ông Alex Gordon, dự đoán.

“Đối với những người như chúng tôi, đặc biệt là cá nhân tôi, người đã vận động nhiều năm qua để nước Anh rời khỏi EU nhằm thực hiện những chính sách xã hội và giành lại kiểm soát nền kinh tế vì lợi ích của số đông chứ không phải số ít, thì đây là động thái mà chúng tôi chờ đợi đã lâu” – ông Gordon nói.

Cuộc khủng hoảng hiện nay của đảng Tory khiến chính trường Anh bị phân cực. Nó vô hình chung tạo thành một “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào và đẩy nước Anh vào một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

“Nếu xảy ra tổng tuyển cử” – ông Gordon nói – “thì tôi tin rằng nguyện vọng của đa số cử tri Anh là thay đổi chính phủ để rũ bỏ phe bảo thủ và lập nên một chính phủ của Công đảng, đứng đầu là nhà lãnh đạo có khuynh hướng cánh tả nhất từ trước đến nay, ông Jeremy Corbyn”.

Lãnh đạo Công đảng đối lập của Anh, ông Jeremy Corbyn, đã phê phán Thủ tướng Anh Theresa May trên Twitter ngày 8/7 rằng bà sẽ không thể nào hoàn thành trách nhiệm của bà đối với tiến trình Brexit. Ông Corbyn cáo buộc bà May “tham quyền cố vị” hơn là tìm cách phục vụ cho lợi ích của người dân trong bối cảnh bế tắc chính trị hiện nay.

Một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit?

Không loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rúng động London có thể dẫn đến một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit.

“Nếu cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay dẫn tới tình trạng hỗn loạn thì các cuộc bầu cử rất có thể sẽ diễn ra và phe thắng cuộc nhiều khả năng là Công đảng của ông Jeremy Corbyn, một người theo chủ nghĩa xã hội ủng hộ quốc hữu hóa” - cựu Cố vấn EU Paolo von Schirach nhận định trên Sputnik hôm 9/7. “Vào thời điểm này, tất cả dường như chỉ là khả năng, bao gồm cả một cuộc trưng cầu ý dân mới cho phép cử tri Anh có cơ hội xem xét quyết định của họ năm 2016 [về Brexit – ND]”.

Thời điểm đó, nước Anh gần như bị chia đôi giữa 2 luồng ý kiến ở lại hay rời khỏi EU với số phiếu phản đối và ủng hộ Brexit không chênh lệch quá nhiều.

Theo ông Schirach, hàng triệu người từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã không được thông tin đúng và đủ về vấn đề này, do đó họ tin rằng sẽ được trả lại khoản tiền đáng kể mà Anh nộp cho EU.

“Những người ủng hộ ‘Brexit mềm’ đã chỉ ra rằng nền kinh tế Anh ràng buộc chặt chẽ với châu Âu. Việc cắt đứt mọi kết nối sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực, nếu không nói là thảm họa, với các công ty của Anh cũng như nhân công của họ” – ông Schirach giải thích.

“Họ muốn rời khỏi EU nhưng điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ thương mại, với hợp tác và thỏa thuận giữa Anh và EU?” – ông Navon nói. “Tất cả điều đó đều không được làm rõ và giờ đây, khi tiến trình đàm phán đã diễn ra gần 2 năm, những câu hỏi hóc búa ấy quay trở lại. Người Anh muốn tìm cách tận hưởng những gì tốt nhất của cả 2 phương án ‘Đi’ và ‘Ở’ nhưng đó không phải là cách mọi việc được giải quyết”./.