Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 trình bày trước Quốc hội sáng nay (22/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

20 doanh nghiep lon ban co phan lan dau thu ve 20300 ty dong
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sáng 22/10.

Thủ tướng cho biết, đã có 20 doanh nghiệp lớn bán cổ phần lần đầu trong 9 tháng đầu năm 2018, thu về 20.300 tỷ đồng; riêng thoái vốn thu về 7.900 tỷ, nâng tổng số lũy kế từ đầu nhiệm kỳ lên trên 170.000 tỷ đồng. Thành lập, đưa vào hoạt động Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2016: 55 doanh nghiệp, năm 2017: 69 doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay: 20 doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hạn chế, bất cập; xử lý nghiêm các sai phạm, thu hồi tài sản Nhà nước. Xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá và đề ra định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng....

Nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước lớn đã bán cổ phần thành công như: Tập đoàn Cao su Việt Nam (47.290 tỷ đồng), các Tổng công ty: Phát điện 3 (26.108 tỷ đồng), Dầu Việt Nam (10.342 tỷ đồng), Điện lực Dầu khí (23.418 tỷ đồng), Lọc hóa dầu Bình Sơn (31.044 tỷ đồng), Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex (9.878 tỷ đồng), Sông Đà (4.438 tỷ đồng), Lương thực miền Nam (4.980 tỷ đồng), Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (2.366 tỷ đồng), Thương mại Hà Nội (2.155 tỷ đồng), Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) (2.532 tỷ đồng). Năm 2017, thoái vốn 53,59% số cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, thu về gần 110.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thoái 3,33%, thu về 8.990 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp./.