16 trieu chung tham lang cua benh bach cau

Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư của máu và tủy xương, tình trạng ác tính gây sản sinh bất thường một số tế bào máu. Khi các tế bào máu không khỏe mạnh lấn át những tế bào khỏe mạnh, chức năng máu bắt đầu bị suy sụp và bạn có thể nhận thấy các triệu chứng thực thể.

Bệnh có thể nặng lên nhanh chóng với một thể bệnh gọi là bệnh bạch cầu cấp; bệnh có thể tiến triển chậm và nặng dần lên theo thời gian với bệnh bạch cầu mạn. Dù là thể bệnh nào, nếu nhận thấy một tập hợp các triệu chứng kín đáo dưới đây của bệnh bạch cầu, thì hãy đến bác sĩ ngay để kiểm tra.

Yếu và mệt

Yếu và mệt là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh bạch cầu. Những dấu hiệu này thường do thiếu máu (thiếu ác tế bào hồng cầu), cộng với sự kiệt sức. Trong cả trường hợp mãn tính và cấp tính, người bệnh đều có thể thấy từ mệt mỏi nhẹ đến cực kỳ yếu ớt, nhưng trong tất cả các trường hợp, triệu chứng luôn nặng lên theo thời gian.

Khó thở

Khi bệnh nhân ngày càng yếu và mệt hơn, họ cũng có thể bị khó thở do thiếu máu hoặc, trong những trường hợp hiếm gặp hơn, do khối u ở ngực. Người bệnh thường thở hổn hển, gần như hết hơi. Đi bộ trong phòng cũng có thể khó khăn. Khó thở cũng nằm trong số các triệu chứng của ung thư phổi.

Bầm tím quá nhiều hoặc tự phát

Các vết bầm tím không giải thích được và không có chấn thương thực thể là một trong nhiều triệu chứng của bệnh bạch cầu. Vết bầm tím bất thường là hậu quả của giảm số lượng tiểu cầu hoặc các vấn đề về đông máu. Người bệnh sẽ bị bầm tím một cách tự phát, dường như chẳng có nguyên nhân nào. Bầm tím có thể ở bất cứ nơi nào, nhưng điển hình là ở tứ chi - chân và tay.

Chảy máu bất thường

Tương tự như bầm tím, chảy máu cam bất thường hoặc chảy máu chân răng, ruột, phổi hoặc đầu có thể là dấu hiệu của thiếu tiểu cầu và vấn đề về đông máu, có thể chỉ ra các thể bệnh bạch cầu cấp.

Chấm xuất huyết

Chấm xuất huyết được mô tả giống như một người nào đó vẽ những chấm nhỏ màu đỏ bằng bút lên da bạn. Những chấm xuất huyết này có thể không được chú ý vì kích thước nhỏ, không đau và thường xuất hiện ở chi dưới, cho thấy số lượng tiểu cầu bị giảm và là một trong những triệu chứng của bệnh bạch cầu. Chấm xuất huyết thường được tìm thấy xung quanh mắt cá chân vì trọng lực dẫn đến sự tích tụ dịch ở vùng cẳng chân trong suốt cả ngày.

Nướu răng sưng và phì đại

Mặc dù tăng kích thước của nướu, còn được gọi là tăng sản nướu, thường chỉ thấy ở một số ít bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp, song đây là một trong những triệu chứng bệnh bạch cầu rõ ràng nhất. Nếu có bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, bác sĩ sẽ luôn kiểm tra miệngcủa họ để xem nướu có bị to hơn hay không. Nướu có thể trông sưng lên, và người bệnh gần như luôn có cảm giác bó chặt kỳ lạ trong miệng.

Cảm giác đầy tức bụng

Một dấu hiệu của bệnh bạch cầu mạn - và đôi khi là bệnh bạch cầu cấp- là lách to, có thể dẫn đến mất cảm giác thèm ăn. Người bệnh có thể có cảm giác “no sớm”. Họ chỉ ăn rất ít và cảm thấy no nhanh vì lách to đè vào dạ dày.

Khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên bên trái

Lách to do bệnh bạch cầu đôi khi dẫn đến khó chịu hoặc thậm chí đau nhói ở bụng. Vì lách nằm ở góc phần tư phía trên bên trái của bụng, nên cảm giác khó chịu thường xảy ra ở đó.

Sốt hoặc ớn lạnh

Sốt hoặc ớn lạnh không phải là triệu chứng phổ biến nhất, thường chỉ xảy ra ở 1/4 số trường hợp bệnh bạch cầu cấp và hầu như không gặp trong các trường hợp bệnh bạch cầu mạn. Sốt nhẹ thường xuyên hay gặp hơn cho thấy nhiễm trùng và hệ miễn dịch suy yếu, cũng có thể liên quan đến bệnh bạch cầu.

Đổ mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi ban đêm thường do nhiễm trùng có thể liên quan đến bệnh bạch cầu. Người bệnh có thể thấy người ướt đẫm, và ga trải giường cũng ướt đẫm. Một dấu hiệu như vậy cần được kiểm tra.

Đau đầu

Mặc dù không phổ biến, đau đầu như búa bổ thường xuyên có thể là dấu hiệu của thiếu máu liên quan đến bệnh bạch cầu hoặc thậm chí là chảy máu não đe dọa tính mạng.

Cực kỳ xanh xao

Giống như đau đầu, mệt mỏi và khó thở, xanh xao bất thường có thể là dấu hiệu thiếu máu ở bệnh nhân ung thư máu cấp tính và mạn tính. Nếu họ có vẻ khá nhợt nhạt, thì bệnh đã khá muộn và người bệnh khá ốm yếu. Người bệnh hầu như luôn luôn mệt mỏi. Nếu hồng cầu thấp đến mức khiến người bệnh nhợt nhạt, họ sẽ thở hổn hển ngay cả khi đi ngang qua phòng.

Đau xương

Đau nhức trong xương là một dấu hiệu tương đối hiếm gặp nhưng thường rõ ràng của cả bệnh bạch cầu mạn tính và cấp tính. Các tế bào bạch cầu được tạo ra bên trong tủy xương, vì vậy nếu cảm thấy bất cứ điều gì từ đau nhức nhẹ đến đau đớn cực độ trong xương, thì tốt nhất là nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Sưng hạch

Kiểm tra vùng cổ, nách và bẹn xem có hạch sưng rõ nhưng không đau hay không. Các hạch tăng giảm kích thước trong thời gian bị nhiễm trùng là điều bình thường, nhưng nếu chúng vẫn to hoặc tiếp tục phát triển, đó có thể là một trong những triệu chứng của bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.

Phát ban da

Khoảng 1/20 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu có thể bị phát ban da thuộc một trong hai loại: bệnh bạch cầu ở da, hoặc phát ban do hội chứng Sweet, thường liên quan đến bệnh bạch cầu. Bệnh bạch cầu da hầu như luôn trông giống như da có khối u bên trong. Một cục u nhỏ bắt đầu phát triển. Đôi khi, trông giống như mảng bám. Mặt khác, hội chứng phát ban Sweet có biểu hiện đỏ ở da giống như dị ứng. Nhưng mặc dù phát ban da có đủ hình dạng và kích cỡ, phát ban liên quan đến bệnh bạch cầu có một điểm chung: chúng sẽ tiếp tục phát triển và lan rộng.

Nhiễm trùng thường xuyên hoặc tái phát

Nếu bạn bị một nhiễm trùng nhẹ mà không khỏi, cho dù bác sĩ kê đơn bao nhiêu loại thuốc kháng sinh, thì có lẽ đã đến lúc cần làm xét nghiệm công thức máu toàn phần để kiểm tra các bất thường về bạch cầu, huyết sắc tố và tiểu cầu. Lượng tế bào bạch cầu bất thường dẫn đến hệ miễn dịch bị suy yếu, có thể giải thích cho các nhiễm trùng thường xuyên và cảm giác luôn ở bên bờ của bệnh cúm hoặc nhiễm trùng.

Điều này, cùng với các dấu hiệu khác như mệt mỏi hoặc bầm tím, là đủ để đưa bạn đến bác sĩ. Vì người bị bệnh bạch cầu có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện các triệu chứng hay gặp trong các bệnh khác, nên điều quan trọng là phải được khám thực thể, xét nghiệm công thức máu và sinh thiết tủy xương, sẽ cho biết chính xác thể bệnh và đưa ra phương pháp điều trị cần thiết./.