Trong phản ánh đến báo Dân trí, anh L.T.Nh. (ngụ tại Khánh Hòa) cho biết, cha của anh bị ung thư máu, điều trị tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, TPHCM.

“Lần thứ nhất khi mới vào làm xét nghiệm máu và tuỷ đồ, BS Tr. tư vấn cho em: “Có 2 phương án, một là lấy máu và tự đi làm xét nghiệm, hai là nhờ tôi (tức BS Tr.) đem đi làm xét nghiệm giùm với chi phí là 4,5 triệu đồng. Với tâm lý là người nhà, em nghe vậy đưa tiền cho BS Tr.. Em cứ ngỡ là bác ra quầy đóng tiền đàng hoàng nhưng không, BS Tr. tới tận giường bệnh thu tiền và bỏ vào túi”.

Cũng theo anh T.N. “Lần thứ 2 khi đã có kết quả xét nghiệm tuỷ đồ xong và có kết luận bệnh, BS Tr. có hẹn gặp em để tư vấn phương án chữa trị.

Theo đó, bác nói có 3 phương án, một là ghép tủy; hai là xạ trị; ba là cho bệnh nhân về sống bình thường, hết gì truyền đó. Em nói với BS Tr. em cho ba em phương án 3.

Lúc này, BS Tr. đồng ý và có bảo em là “tôi có loại kháng sinh chích vào sẽ tăng đề kháng với số tiền là 5 triệu đồng”. Em tiếp tục đồng ý và cứ đinh ninh kháng sinh có hóa đơn, nhưng không lại lần nữa BS Tr. thu tiền trực tiếp và bỏ vào túi”.

15 benh nhan ung thu bi bac si lua 81 trieu dong
Bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân không đưa tiền cho bất kỳ cá nhân nào, việc thu viện phí công khai có biên nhận tại quầy thu

Mở rộng tìm hiểu thông tin, có nhiều bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện cũng trong tình trạng tương tự như ba của anh L.T.Nh. Các bệnh nhân gồm Ng.T.M. đã đưa cho BS Tr. số tiền 2,5 triệu đồng; Ng.H.D. cũng đưa cho bác sĩ này số tiền 6,5 triệu đồng… tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trên, bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành các bước xác minh và làm việc với bác sĩ bị người bệnh và thân nhân người bệnh phản ánh. Theo đó, BS Tr. làm việc tại khu điều trị tổng hợp khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực đồng thời là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thừa nhận từ cuối năm 2018 đến nay, đã dùng thủ đoạn xét nghiệm dùm và chích thuốc tăng cường đề kháng kéo dài sự sống để nhận số tiền 81 triệu đồng từ người bệnh và thân nhân bệnh nhân.

Phía bệnh viện đã rà soát hồ sơ bệnh án và biên bản họp, thực tế cho thấy những bệnh nhân đã đưa tiền cho BS Tr. không được thực hiện xét nghiệm cũng như sử dụng loại thuốc điều trị từ bên ngoài, tất cả thông tin trên bệnh án có xác nhận của bệnh nhân đã được điều dưỡng thực hiện đều khớp với y lệnh của bác sĩ điều trị.

Sau khi xác minh vụ việc người bệnh phản ánh là đúng, ngày 19/3 BS Phù Chí Dũng đã ký quyết định đình chỉ công tác đối với BS H.M.Tr. Ngoài ra, việc xác minh của bệnh viện bước đầu xác định đây là hành vi của cá nhân BS Tr. không liên quan đến tập thể hay cá nhân nào khác trong bệnh viện.

Hoàn trả tiền bác sĩ đã thu

Để khắc phục kịp thời bê bối trên trước khi có những hình thức xử lý cụ thể, phía bệnh viện đã mời các bệnh nhân là “nạn nhân” của BS Tr. đến gửi lại số tiền 48,5 triệu đồng. Số tiền còn lại, bệnh viện đang chủ động liên hệ với những người đã bị BS Tr. lừa để tiếp tục hoàn trả.

Đại diện bệnh viện nhận định, BS H.M.Tr. đã lợi dụng điểm yếu khi đa phần người bệnh ở khu điều trị tổng hợp là bệnh nhân ung thư, tiên lượng bệnh xấu, không có khả năng điều trị triệt để theo phác đồ, từ đó tư vấn lấy lòng tin. Diễn tiến bệnh ngày càng nặng khiến người bệnh phải thường xuyên ra vào bệnh viện và phó thác sức khỏe của mình cho bác sĩ vì sự tin tưởng với mong muốn giảm nhẹ nỗi đau, kéo dài sự sống nên khi bác sĩ đặt vấn đề “hỗ trợ” thì người bệnh đã “sập bẫy”.

Sau sai phạm của cá nhân trên, phía bệnh viện đã rà soát lại toàn bộ quy trình và tăng cường giám sát trong quá trình tiếp nhận, điều trị. Bệnh viện khuyến cáo người bệnh, việc thu viện phí được thực hiện công khai tại quầy thu phí có biên nhận rõ ràng. Để tránh bị lừa, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tuyệt đối không đưa tiền trực tiếp cho bất kỳ cá nhân nào cả trong và ngoài bệnh viện.