Dự án được triển khai thực hiện tại 16 tỉnh thành, gồm Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tiền Giang, Vĩnh Phúc và tỉnh Yên Bái. Dự án được thực hiện với tổng vốn đầu tư 110,94 triệu USD, thời gian thực hiện từ năm 2009-2016.

110 trieu usd nang cao chat luong an toan san pham nong nghiep
Đại biểu 16 tỉnh thành tham gia dự án đánh giá hiệu quả của dự án

Nâng cao chất lượng, sản lượng

Bà Trần Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2009, Tiền Giang tham gia dự án cùng 15 tỉnh, thành khác. Sau 7 năm, dù dự án đã kết thúc nhưng nhiều hoạt động được hình thành từ dự án vẫn tiếp tục và nhân rộng.

Theo bà Phong, kết quả, tỉnh đã quy hoạch vùng SAZ với 2.105 ha rau, 3.050 ha quả thanh long. Đây là cơ sở để tỉnh đầu tư các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng, các tuyến nội vùng được mở ra, nâng cấp trong vùng sản xuất rau quả đã phát huy hiệu quả, nhanh chóng và sản phẩm rau quả được vận chuyển nhanh nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ 5-10%. Cùng với đó đào tạo nông dân sản xuất theo VietGAP, nâng cao trình độ, nhận thức trong sản xuất. Các giống cây ăn quả già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp được thay thế.

“Tuy nhiên bên cạnh đó dự án hỗn hợp nhiều nội dung nên nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”, bà Phong nói thêm.

Ông Hoàng Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, thành công lớn của dự án tại tỉnh là thay thế giống chè mới chất lượng và nhân rộng nhiều diện tích chè được chứng nhận VietGAP.

Trong 7 năm tỉnh đã hoàn thành 6 mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn 5 huyện. Đặc biệt là các nội dung về chứng nhận VietGAP và thay thế giống. Sau khi dự án kết thúc, có kết quả tác động và hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, tổng diện tích hỗ trợ chứng nhận VietGAP là 41,25ha với 25 nhóm hộ. Nhưng tính đến hết năm 2018 diện tích chè được chứng nhận VietGAP đã nâng lên gần 1.500ha, chiếm 7,9% tổng diện tích chè kinh doanh của toàn tỉnh.

Hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp sản xuất chè đều được chứng nhận VietGAP. Từ khi có 25 nhóm hộ được chứng nhận VietGAP của dự án, đến nay tỉnh đã có 97 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP, nổi bật có nhiều doanh nghiệp, HTX tự bố trí ngân sách chứng nhận VietGAP, tổng số hộ tham gia chứng nhận trên 3.000 hộ… Tỉnh cũng đã triển khai thay thế các giống chè mới có chất lượng cao với diện tích 5.800 ha.

Ông Lê Văn Thành- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, thành công nhất của dự án QSEAP tại địa phương là nâng cao ý thức người dân trong việc trồng chè an toàn, sạch. Trước khi có QSEAP số lượng chè tại địa phương bị trả lại nhiều do người dân trồng chè phun thuốc. Hiện chè Sơn La đã phát triển với diện tích 5.000ha, chất lượng rất cao và sạch, chủ yếu xuất đi nước ngoài.

Phát triển nhiều nông sản chủ lực

Bà Phan Thị Thu Sương- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh tham gia dự án QSEAP trong sản phẩm là nông sản, với diện tích cây ăn quả 30.000 ha. Dự án giúp tỉnh quy hoạch lại vùng rau quả, nông sản an toàn của tỉnh, diện tích được quy hoạch là 12.000 ha trong tổng 29.000 ha cây ăn quả của tỉnh. Và hỗ trợ tập trung 6 mô hình với các sản phẩm chủ lực chính như bưởi da xanh, sầu răng, măng cuột…

Bà Sương dẫn chứng, qua 7 năm thực hiện, tỉnh Bến Tre đã kế thừa được những thành quả của dự án QSEAP. Như cách đây 7 năm, khi vận động bà con tham gia sản phẩm VietGAP rất khó khăn, nhưng đến nay bà con nông dân thấy việc tham gia rất cần thiết, vùng chứng nhận VietGAP trên địa bàn đã nâng từ 4.000 ha lên 8.000 ha.

Tỉnh Bến Tre khác các tỉnh khác là có diện tích sông nước nhiều, diện tích quy mô hộ gia đình rất lớn, có sự chia cách giữa sông nước và không tập trung như các tỉnh thành lập vùng chuyên canh. Do vậy, tỉnh đã phát triển cây ăn quả theo hướng du lịch sinh thái, du lịch sông nước.

110 trieu usd nang cao chat luong an toan san pham nong nghiep
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá hiệu quả của dự án

Đồng thời, kết hợp với những sản phẩm VietGAP. Ngoài ra, qua tập huấn dự án VietGAP giúp nông dân tiếp cận KHKT, sản phẩm chất lượng hơn, nâng cao sản xuất, thu nhập của người dân.

“Chúng tôi mong muốn sau khi dự án kết thúc, Bộ tiếp tục quan tâm để tỉnh tiếp tục tham gia dự án theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, mở rộng theo hướng xúc tiến thương mại, đồng thời đảm bảo đầu ra sản phẩm…”, bà Sương đề nghị.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá, đây là dự án thực hiện đúng hướng, chọn đúng sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây rau, chè và cây ăn quả.

“Nhìn nhận lại cũng còn nhiều vấn đề, tuy nhiên, dự án đã hỗ trợ các địa phương trong ngành nông nghiệp, đặc biệt phát triển nhiều nông sản chủ lực, hình thành các chuỗi sản phẩm đảo đảm chất lượng, nâng cao nhận thức người nông dân, quan điểm người tiêu dùng. Đặc biệt, hiệu quả ở các tỉnh như trước kia Thái Nguyên chỉ đứng thứ 3 về diện tích chè, giờ đã đứng thứ nhất cả nước với 25.000 ha, hay như bưởi da xanh ở Bến Tre, cây thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang…”, Thứ trưởng Doanh nhìn nhận./.